Chính phủ Philippines cảnh báo, những kẻ âm mưu lật đổ Tổng thống Duterte cần “suy nghĩ thật kỹ” trước khi hành động.
Âm mưu của những người Mỹ gốc Philippines
IBT Times dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin Andanar cho biết, Chính phủ nước này đã nhận được thông tin từ các quan chức Philippines đang có mặt tại Mỹ rằng, một nhóm người Mỹ gốc Philippines đang sinh sống tại New York đang âm mưu tiến hành đảo chính lật đổ ông Duterte vào tháng 1 tới.
“Tôi đã nhận được thông tin này từ nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy tại Mỹ. Đúng là chúng tôi đã có tên tuổi của những kẻ tham gia vào âm mưu này nhưng chúng tôi chưa muốn tiết lộ vào lúc này. Chúng tôi sẽ xem xét và điều tra nghiêm túc vụ việc này”, ông Andanar nói.
“Bất kỳ kẻ nào lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Duterte cần phải rất thận trọng với những gì chúng định tiến hành. Chúng cần phải suy nghĩ thật kỹ bởi đó là một hành động đi ngược với Hiến pháp”, ông Andanar cảnh báo.
Dù ông Andanar không tiết lộ danh tính của các quan chức nói trên, không khó để nhận ra họ chính là Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay và người phát ngôn Tổng thống nước này Ernesto Abello bởi họ là hai người duy nhất hiện có mặt tại Mỹ.
Khi được hỏi về việc liệu Tổng thống Duterte có biết gì về âm mưu đảo chính nói trên hay không, ông Andanar cho biết: “Tôi chưa trao đổi gì với Tổng thống về thông tin này”.
Người Philippines vẫn ủng hộ Duterte
Vài ngày trước khi ông Andanar công bố thông tin về âm mưu đảo chính nói trên, giới truyền thông Philippines đã nhận được một số tin nhắn kêu gọi họ tham gia đưa tin về cuộc tuần hành xung quanh Đài tưởng niệm Quyền lực của Nhân dân Edsa nhằm kêu gọi ông Duterte từ chức.
Tin nhắn này viết: “Hãy tụ tập, hãy đoàn kết chống lại Duterte. Xin hãy tham gia vào cuộc tuần hành xung quanh Đài tưởng niệm Quyền lực của Nhân dân Edsa để kêu gọi Duterte từ chức. Đây sẽ là hoạt động xung kích trong Phong trào đòi Duterte từ chức. Xin hãy lan truyền thông tin này đến mọi người”.
Trong vài tháng qua, ông Duterte đã phải hứng chịu rất nhiều những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào chiến dịch trấn áp những kẻ buôn bán ma túy trái phép tại Philippines- quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn này.
Các đối thủ chính trị của ông Duterte đã kêu gọi thực hiện một kế hoạch B nhằm thay thế Tổng thống Duterte bằng Phó Tổng thống Leni Robredo thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kế hoạch này khó có khả năng thành công bởi ông Duterte hiện vẫn được tới 91% người dân Philippines tín nhiệm.
Ông Duterte cũng đã từng cáo buộc các thành viên của đảng Tự do- đảng cầm quyền tại Philippines cho đến trước khi ông Duterte lên làm Tổng thống- đã lên kế hoạch này, tuy nhiên, Phó Tổng thống và là Chủ tịch đảng Tự do Leni Robredo đã bác bỏ cáo buộc nói trên.
Mỹ cũng âm mưu lật đổ Duterte?
Không chỉ đối mặt với nguy cơ từ các nhóm chính trị đối lập trong nước, Tổng thống Duterte còn được cho là “cái gai trong mắt” Chính phủ Mỹ. Hạ nghị sĩ đảng Kabayan của Philippines Harry Roque đã lên tiếng cảnh báo về khả năng Mỹ âm mưu hạ bệ ông Duterte.
Hạ nghị sĩ Harry Roque đã viện dẫn tuyên bố “gây tranh cãi” nhằm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào hồi đầu tháng 9 với “sự trùng hợp đáng ngờ” ngay sau đó khi có một nhân chứng bất ngờ chấp nhận xuất hiện tại Thượng viện Philippines để nói về chiến dịch trấn áp những kẻ buôn bán ma túy trái phép của ông Duterte khiến 3.000 người thiệt mạng.
“Phiên điều trần tại Thượng viện Philippines diễn ra ngay sau khi Tổng thống Duterte khẳng định ông muốn theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập”, ông Roque nói.
Nhân chứng được cho là do Thượng nghị sĩ đối lập Leila de Lima cung cấp mang tên Edgar Matobato này đã khai chi tiết về “biệt đội sát thủ Davao” và khẳng định chính Tổng thống Duterte- khi đó là Thị trưởng Davao- trực tiếp chỉ đạo biệt đội sát thủ này và cũng ra tay giết người như họ.
Ông Roque khẳng định: “Khó có thể coi đó là một sự trùng hợp được khi phiên điều trần này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố chính sách ngoại giao độc lập của mình. Rõ ràng mục đích của phiên điều trần này là nhằm mở đường để ông Duterte phải từ chức”.
Ngoài ra, ông Roque cũng bày tỏ nghi ngờ về “lý lịch bất minh” của Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg: “Hãy nhớ rằng Đại sứ Goldberg từng bị đuổi khỏi Bolivia vì âm mưu tiến hành đảo chính.
Tổng thống Bolivia Evo Morales đã trục xuất ông này vào năm 2008 với tuyên bố ông Goldberg là “một nhân vật không được hoan nghênh” [một thuật ngữ ngoại giao chỉ một nhân vật bị chính quyền nước sở tại coi là không tốt và không chấp nhận sự hiện diện của họ trên đất nước mình-ND].
Theo VOV