Điểm nhấn của dự án Livespace VietNam trong 2 năm qua chính là 5 chương trình biểu diễn âm nhạc, giới thiệu 12 nhóm nhạc indie đến từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (được lựa chọn trong số gần 50 nhóm nhạc đăng kí). Bên cạnh đó là những buổi làm việc nhóm hướng dẫn cách làm việc trong studio, làm sao để có thể làm ra những sản phẩm trong phòng thu âm nhạc và tạo nên những sản phẩm âm nhạc tốt hơn; chuỗi tọa đàm LiveSpace Pro mang đến cơ hội trao đổi với các chuyên gia quốc tế và Việt Nam nhằm hiểu rõ hơn những thách thức của ngành công nghiệp âm nhạc, tìm ra các giải pháp để Việt Nam hội nhập tốt hơn vào mạng lưới quốc tế.

Livespace VietNam: Cơ hội mới cho các nhóm nhạc indie ảnh 1

Nhóm nhạc Những đứa trẻ.

Các nghệ sĩ trẻ trên sân khấu của Livespace thực sự đã mang đến cho khán giả những buổi biểu diễn cháy hết mình, với những bài hát họ tự sáng tác, thể hiện tình cảm cùng suy tư về cuộc sống. Chị Hồ Quỳnh Anh, người tham dự đêm diễn Livespace 4 nhận xét: “Các sản phẩm âm nhạc mang nhiều màu sắc mới lạ trong ca từ đến chất liệu làm nhạc, thể hiện tư duy âm nhạc cá tính. Mỗi ban nhạc đều có phong cách và màu sắc riêng. Âm nhạc hiện đại, đa chiều thể hiện khát vọng suy nghĩ về cuộc sống, trải nghiệm”.

Với Nguyễn Bá Trường Sơn cùng các thành viên nhóm nhạc Những Đứa Trẻ thì Livespace VietNam là cơ hội quý để thể hiện năng lực của mình:“Chúng em đến với chương trình này với mong muốn làm được những gì tốt nhất cũng như cố gắng đổi mới những bài hát đã cũ theo phong cách mới và đem lại những cảm xúc mới cho khán giả.” - Trưởng nhóm Nguyễn Bá Trường Sơn nói. Còn nghệ sĩ Lê Trang (Trang Chuối), thành viên nhóm nhạc Limebócx thì trong bối cảnh các ban nhạc trẻ đang loay hoay trong việc diễn ở đâu, như thế nào, tiếp tục làm nhạc độc lập hay đầu quân cho các hãng đĩa thì cô hi vọng Livespace VietNam tiếp tục là nơi để các nghệ sĩ trẻ thể hiện bản thân mình cũng như kết nối với nhau nhiều hơn.

Ban nhạc Lope Dope.

Trong 4-5 năm trở lại đây, đã có những nghệ sĩ trong dòng nhạc indie khẳng định được con đường riêng của mình như Lê Cát Trọng Lý, ban nhạc “Ngọt”, “Chilies”, “Da LAB”, “Cá hồi hoang”… Việc phát hành âm nhạc giờ đây đơn giản hơn trước. “Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những ai thực sự tìm kiếm cho mình cơ hội để tỏa sáng. Việc phát hành âm nhạc hay tạo ra một bài hát bây giờ đơn giản hơn ngày xưa rất nhiều. Ví dụ ngày xưa mình cần phải ra studio, với nhiều bước khác nhau thì bây giờ các bạn hoàn toàn tự sản xuất, tự thu âm tại nhà và upload lên các nền tảng chứ không cần thông qua nhà phát hành nào khác. Tuy vậy, vì nó dễ nên thách thức sẽ càng cao. Tìm ra cho mình một không gian để có thể tỏa sáng không đơn giản”- Trần Nguyễn Đăng Toàn, thành viên ban nhạc “Những gã mộng mơ” nói. Chính vì thế, điều quan trọng là các nhóm nhạc phải chuyên tâm tập luyện, viết nhạc, làm nhạc để có những tác phẩm độc đáo, có cá tính như nhận định của nhạc sĩ Quốc Trung (Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Gió Mùa - Monsoon Music Festival): “Việc đầu tiên là các bạn phải có những sản phẩm âm nhạc thật hấp dẫn, thật hoàn hảo, sau đó mới nghĩ đến chuyện PR, truyền thông, marketing… Muốn có sản phẩm âm nhạc đặc sắc, hoàn hảo thì không có cách gì ngoài việc dành nhiều thời gian và tâm sức hơn cho sản phẩm của mình. Điều đó có thể minh chứng bằng các ban nhạc trẻ gần đây thành công đã có thể tự tin hơn trong việc đánh đổi thời gian, đời sống của mình để cho đam mê được đi đến tận nơi mà mình không phải hối hận”.

Trào lưu nhạc indie ngày càng lớn mạnh và ảnh hưởng sang cả Châu Á. Điều này sẽ tạo cho các nghệ sĩ trẻ có niềm đam mê âm nhạc cơ hội được đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Tiếng nói mới mẻ của nhạc indie cũng góp thêm cho dòng chảy âm nhạc Việt Nam sự đa dạng, linh hoạt, mới mẻ, mang đậm dấu ấn cá nhân của thế hệ trẻ. Tuy vậy, ở Việt Nam ngay cả những chương trình truyền hình thực tế đến khoảng năm thứ 2 đã bắt đầu có dấu hiệu “rã đám”. Điều đó không chỉ thể hiện rằng các tài năng âm nhạc của chúng ta rất ít mà còn cho thấy sự phát triển của các tiềm năng âm nhạc cũng như tài năng âm nhạc cũng hạn chế.

Các nhóm làm nhạc thường phải mất một năm, thậm chí vài năm mới ra được album. Khoảng thời gian ấy là quá chậm so với đòi hỏi của thị trường. Nhạc sĩ Quốc Trung nhớ lại: Trong các chương trình anh đã từng làm như Rock Stone, Monsoon, các nghệ sĩ trẻ có sẵn sản phẩm không nhiều. Chính vì thế các nhóm nhạc phải dành nhiều thời gian cho âm nhạc hơn, tốc độ phát triển sản phẩm phải nhanh hơn nữa. “Tôi nhận thấy ở các ban nhạc trẻ cũng có rất nhiều hạn chế trong việc nhận biết sản phẩm âm nhạc của mình đang ở mức độ như thế nào. Các bạn cũng không biết được yêu cầu về kĩ thuật phải như thế nào. Điều đó đòi hỏi các bạn phải làm việc nhiều hơn nữa”- nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.

Do vậy, một chương trình có quy mô lớn tạo sân chơi và cơ hội học hỏi cho các nhóm nhạc indie nước ta như Live Space VietNam thực sự cần thiết, tạo ra sự tự tin cho các ban nhạc indie, để họ chuyên tâm hơn trong hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Chỉ có thời gian và sự kiên nhẫn cùng với việc tạo ra môi trường đa dạng để cho dòng nhạc indie đến với công chúng mới là con đường lâu dài dành cho những người trẻ. Nếu như khán giả trẻ đã biết tìm đến những gương mặt mới, phong cách mới thì đời sống âm nhạc cũng đang rất cần sự quan tâm, ủng hộ của những người làm nghề, những nhà sản xuất âm nhạc, bầu show biểu diễn… Bởi nếu họ vẫn còn e dè với những điều mới mẻ thì sẽ không thể tạo ra lớp công chúng mới, gương mặt mới cho âm nhạc nước nhà.