(Baonghean.vn) - Lễ tế Đền Chiêng Ngam là một nghi lễ tâm linh, được tổ chức hàng năm vào dịp Xuân về. Người dân vùng Châu Quỳ thường tập trung về xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu để tham gia lễ, tế bái với tâm nguyện tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên, người khai ấp lập mường, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nguyện hứa sống, lao động tốt xây dựng hạnh phúc gia đình và quê hương.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Với những Xên Bản, Xên Mường huyện Quỳ Châu, Lễ hội Hang Bua chính là lễ hội quan trọng nhất, nơi hướng đến chốn mong về của người dân các đồng bào dân tộc nơi đây. Người dân đến hội vẫn thường về dâng hương tại đền Chiêng Ngam để thỏa tâm nguyện được tri ân, mong muốn nhận được sức mạnh từ nguồn cội để vươn lên trong cuộc sống.
Đền Chiêng Ngam đã có từ lâu đời, đền thờ 3 vị Thành Hoàng, đó là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông đã có công khai bản lập mường ở vùng Chiêng Ngam, Phủ Quỳ. Đền được chia làm 3 gian thờ, gian chính giữa thờ 3 vị thần Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông. Gian bên phải thờ Thần núi, gian bên trái thờ Thần sông.
Từ năm 1945, đền Chiêng Ngam bị hư hỏng, chỉ còn ở dạng phế tích. Năm 2005, đền được phục dựng, xây dựng trên nền ngôi đền cũ. Qua hơn 10 năm sử dụng, đền lại hư hỏng và xuống cấp. Được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nâng cấp, đền được xây dựng mới theo quy hoạch và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 19/01/2017.
Trước giờ khai mạc Lễ hội Hang Bua năm 2017, huyện Quỳ Châu lễ tế thành hoàng Mường Chiêng Ngam. Sáng sớm ngày đại tế, rất đông người dân từ 2 huyện Trung Sơn và Thúy Vân xưa đã có mặt tại ngọn núi cao ở bản Hồng Tiến 2 - nơi đền Chiềng Ngam ngự trị. Họ trịnh trọng trong những trang phục truyền thống, trang phục ngành nghề, thành tâm bước nhẹ lên 98 bậc đá, rồi tụ tập về dưới tán thị hàng trăm năm tuổi ngay cạnh ngôi đền thiêng. Trước ngôi đền quanh năm vân vũ bao phủ này, ban tổ chức lễ hội đã bố trí những chiêng trống, sạp, giàn khắc luống, cây nêu trong lễ Xăng Khan.
Trước giờ vào lễ, những chị em trong trang phục váy thổ cẩm leng keng quả đào bạc bên hông, những chàng trai khỏe mạnh khôi ngô của 9 bản xã Châu Tiến bưng lên những mâm lễ cúng. Mâm lễ phong phú sản vật với nhiều món ăn địa phương. Đó là những gà luộc, cá nướng, xôi, mọc, rượu siêu, rượu cần và cam, quýt, táo. Món chính lễ tế là thịt trâu.
Những năm trước, khi đời sống nhân dân quanh vùng còn nhiều khó khăn, thịt dê thay cho thịt trâu. Vài năm gần đây, đời sống đã khấm khá, sung túc hơn, người dân quanh vùng kiên quyết đề nghị sử dụng thịt trâu lại theo lệ cũ. Họ quan niệm trâu là vật lành, năm nào cúng trâu thì năm đó thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều như ý nguyện.
Giờ lành đã điểm, ba vị mo chủ lễ thay mặt cho đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu thực hiện các nghi lễ trước đền Chiêng Ngam.
Nơi gian chính điện, vị mo chính trong trang phục áo xô gai thực hiện lời mời các vị thành hoàng có công khai phá, xây dựng làng bản truyền đời cho cháu con về hưởng dụng lễ phẩm; kính mong các cụ phù hộ cho cháu con, sang năm mới ai cũng mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn để xây dựng hạnh phúc gia đình, bản làng giàu đẹp.
Theo phong tục của người Thái ở Quỳ Châu và luật lệ bất thành văn của các vị mo: Bài khấn phải chuyển thể được tất cả ý nguyện gửi gắm của huyện nhà và không được viết thành văn bản để đọc thuộc mà nó phải được in sâu trong tâm khảm.
Lễ thành, tiếng cồng tiếng trộng lại rộn ràng, vang vang khắp núi, rồi lan tỏa ra các vùng đất xa. Người dân dự lễ lần lượt bước lên thắp nén tâm nhang thành kính cũng như dùng một ít thực phẩm tế lễ may mắn. Điệu múa, lời ca lại cất lên lời nhắc nhớ về nguyện thề trên đền thiêng Chiêng Ngam trong sáng đầu Xuân lành./.
Thanh Sơn - Hồ Phương