(Baonghean) - Hàng năm, từ ngày  30/1 và 1/2 (âm lịch), người dân khắp nơi lại về dự Lễ hội Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành (Yên Thành). Trước ngày khai hội, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa vùng, an toàn, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham gia.

images1834220_1a.jpgLễ rước tại đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh: P.V

Dấu ấn giá trị lịch sử

Lịch sử ghi lại, đền Đức Hoàng được xây dựng từ thời nhà Trần, đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (ông sinh ngày 15/4/1254 trong một gia đình chài lưới ở thôn Vạn Phần, huyện Đông Thành; nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Tương truyền, Hoàng Tá Thốn vốn là một chàng trai thông minh, tuấn tú, có tài bơi lội. Khi nước nhà bị quân Nguyên Mông xâm lược, Hoàng Tá Thốn nghe theo tiếng gọi của triều đình lên đường đi đánh giặc. Ông đã được tiến cử lên gặp Hưng Đạo Vương và được Hưng Đạo Vương truyền cho vào đội quân thủy thiện chiến và còn chiêu ông về làm nội gia đồng tử và huấn luyện thêm về binh thư, binh pháp.

Vào cuối năm 1287, khi giặc Nguyên Mông trở lại mở cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Hoàng Tá Thốn được giao thống lĩnh hàng vạn thủy binh và tàu thuyền; nhờ sử dụng chiến thuật tài tình, ông đã chỉ huy đội quân phục kích đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Với chiến tích lẫy lừng đó, ông được nhà Vua phong “Sát Hải chàng lai Đại tướng quân” và giao nhiệm vụ thống lĩnh quân đội phòng giữ vùng duyên hải.

Thế nhưng, trong một lần đi tuần thủ đường biển Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa, không may ông bị lâm bệnh rồi đột ngột qua đời. Triều đình sau khi nghe tin đã vô cùng thương tiếc, cho thuyền rồng chở linh cữu ông về an táng và lập đền thờ tại quê nhà; đồng thời truy phong cho ông tước hiệu “Trung dũng bảo dực trung hưng hộ quốc tỉ dân Sát Hải Đại tướng quân Thiên Bồng Nguyên soái chi thần” và ra sắc lệnh cho nhiều địa phương cùng lập đền thờ ông.

Di tích văn hóa lịch sử đền Đức Hoàng – một trong những điểm đến về văn hóa tâm linh. Ảnh tư liệu

Theo đó, đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) được xây dựng trên vị trí đắc địa, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đền được ví là một trong “Đông Thành bát cảnh” (tám cảnh đẹp nhất đất Đông Thành) bởi phong thủy uy nghi, cổ kính bao quanh. Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/1/1998. Hàng năm, Lễ hội Đền Đức Hoàng được tổ chức vào ngày 30/1 và ngày 1/2 (âm lịch) nhằm có ý nghĩa giáo dục các thế hệ luôn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và các vị thần linh có công báo quốc hộ dân.

Phát huy nét đẹp truyền thống

Phúc Thành là xã miền núi cách trung tâm huyện Yên Thành 7km. Trong  những năm qua, trên tinh thần thực hiện theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Sở VH-TT&DL (cũ)  và của huyện, hàng năm, UBND xã Phúc Thành tổ chức Lễ hội Đền Đức Hoàng thành công tốt đẹp, được nhân dân trong và ngoài vùng ghi nhận, đánh giá cao. 

Lễ hội Đền Đức Hoàng là nét đẹp truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của di tích và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cư dân bản địa. Lễ hội Đền Đức Hoàng năm nay diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 29 tháng Giêng và mồng 1, mồng 2 tháng 2 âm lịch (tức ngày 25-27/2/2017) với nhiều hoạt động mang đậm đà bản sắc văn hóa vùng và khách thập phương đến tri ân, thăm viếng, trở thành lễ hội có quy mô cấp huyện, cấp tỉnh. 

Đua thuyền truyền thống ở Lễ hội đền Đức Hoàng. Ảnh tư liệu

Lễ hội được ban tổ chức chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ đến nay đã hoàn tất theo kịch bản, trang nghiêm thành kính, bảo tồn nét đẹp trong lễ tế; phần hội với các hoạt động phong phú tại khu vực di tích như: Chung kết giải bóng chuyền nam huyện Yên Thành, giao lưu bóng chuyền nữ các đội mạnh trong huyện; đấu vật truyền thống, đẩy gậy, kéo co, thi trống tế giữa các dòng họ, thi đua thuyền, kéo co, chọi gà, đấu vật, đấu cờ người, đu tiên, vật, bắt cá, bắt vịt, nhảy dây, nấu cơm, đi cầu kiều... và có thêm điểm mới là thi tiếng hót chim chào mào. 

Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, Ban tổ chức Lễ hội Đền Đức Hoàng thành lập một bộ phận đảm nhận công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, trật tự cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan trước, trong và sau lễ hội. Đặc biệt, không để diễn ra các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan, đốt vàng mã.

Để Lễ hội Đền Đức Hoàng thực sự trở thành ngày hội thụ hưởng văn hóa của nhân dân khắp vùng, phát huy giá trị vốn có, ngoài việc làm tốt công tác tổ chức lễ hội, hàng năm, huyện Yên Thành và xã Phúc Thành đầu tư ngân sách xây dựng cảnh quan môi trường, tu bổ nâng cấp các hạng mục xuống cấp, giải tỏa khuôn viên xung quanh hồ sen làm đường phục vụ du khách về tham quan thăm viếng, xây dựng các công trình thể thao phục vụ lễ hội như mở rộng sân vận động, sân lễ hội, sân cờ, sân khấu đường rước, công trình vệ sinh khép kín phục vụ du khách về dự lễ hội, làm mới hệ thống điện chiếu sáng, làm thêm một trạm điện phục vụ riêng cho di tích, hệ thống nước sạch, trồng thêm cây xanh... 

Thi vật tại Lễ hội Đền Đức Hoàng. Ảnh: P.V

Về với Lễ hội Đền Đức Hoàng, du khách còn được tham quan đền thờ Trần Đăng Dinh, đền Đình Hương, đền Cả, đền Đệ Tam, đền Quang, đền Lèn, đền Vũ Kỳ, mộ Mạc Phúc Thanh, chùa Thiên Tảo; sinh thái  Quả Nài nằm giữa đồng quê có rừng nguyên sinh... Năm nay, lượng du khách tìm về với Lễ hội Đền Đức Hoàng đông đảo hơn rất nhiều so với những năm trước.

Đinh Văn Dương

TIN LIÊN QUAN