(Baonghean) Ở Nhà Giàn DK1, ngoài chế độ lương thực và đồ khô được cấp phát, cán bộ, chiến sỹ còn phải tăng gia trồng rau, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Các anh đang làm chủ hoàn cảnh, tự lực, tự cường để cuộc sống ngày càng sung túc, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng canh trời, giữ biển của mình.

Nằm chênh vênh giữa biển khơi, các Nhà Giàn DK1 tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Sợi dây nối giữa đất liền với các Nhà Giàn chỉ là sóng điện thoại và Internet. Vì thế, việc đảm bảo lượng thực hàng ngày đối với lính Nhà Giàn là một điều không dễ dàng. Ngoài khẩu phần ăn đồ khô, gạo được cấp phát theo các chuyến tàu trực ra cứ khoảng 2 tháng 1 lần, thì các Nhà Giàn phải tự tăng gia sản xuất để cải thiện bữa cơm cho anh em. Lần đầu bước lên Nhà Giàn, chứng kiến những mảng rau xanh tươi mơn mởn, đâu đó vọng tiếng gà, tiếng lợn kêu tưởng chừng như đang ở trên đất liền. Thế mới biết, lính Nhà Giàn không những yêu đời, chiến đấu giỏi mà còn rất đảm đang.

790375_small_91437.jpg

                            Bộ đội Nhà Giàn DK1/15 chăm sóc vườn rau.

Việc trồng rau trên Nhà Giàn, nơi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thay đổi thất thường không phải là điều dễ dàng. Kể về những ngày đầu bắt đầu thử nghiệm trồng rau, Thiếu tá Đậu Đình Phú, nhân viên cơ yếu Nhà Giàn DK1/9 cho biết: Từ năm 1992, các Nhà Giàn bắt đầu mới tiến hành thử nghiệm trồng rau. Ban đầu, rau được trồng trong các bồn gỗ, phân bò, đất đỏ, hạt giống được mua trong đất liền chở ra. Mỗi nhà trồng được khoảng 10 bồn. Do chưa có kinh nghiệm, cộng với khí hậu khắc nghiệt nên tỷ lệ hạt giống nảy mầm ít. Nhiều lúc, rau tốt chuẩn bị ăn được thì một trận gió quét qua  lá dập nát hết. Lúc đó, Lữ đoàn 171 đã đưa các cán bộ hậu cần ra Nhà Giàn để hướng dẫn cho các chiến sỹ trồng rau từ cách làm đất, gieo hạt, chăm sóc, che chắn để rau phát triển tốt. Dần dần, đúc rút kinh nghiệm nên Nhà Giàn nào cũng đã có thể “tự chủ” một phần rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của mình.

Đến nay, việc trồng rau từ bồn gỗ được thay bằng chất liệu composite (loại vật liệu này bền hơn các loại khác trong môi trường nước biển). Đất đỏ được thay thế bằng đất pha cát, một số Nhà Giàn thì được hỗ trợ đất vi sinh. Hết một lứa rau, đất được đưa ra khỏi bồn, phơi nắng 2 ngày rồi mới đưa vào gieo hạt. Nhưng chỉ cần không cẩn thận là tháng đó, Nhà Giàn không có rau xanh để ăn. Những mối “hiểm họa” như gió, mưa, thiếu nước tưới và đến cả chuột cũng khiến lính Nhà Giàn cẩn thận từng tí một. Anh Phú chia sẻ: Trồng rau trên Nhà Giàn phải xem hướng thì mới có rau mà ăn. Mùa Đông Bắc thì phải đặt bồn ở hướng Tây Nam và ngược lại để tránh gió. Bên cạnh đó, phải dùng bao tải để che chắn xung quanh để rau không bị dập nát. Từ tháng 1 đến tháng 5, thời tiết có thuận lợi hơn nhưng lại thiếu nước để sinh hoạt nên việc chăm sóc rau  khó khăn. Để có nước tưới rau, anh em chiến sĩ phải tiết kiệm tối đa nước sinh hoạt.

Hiện nay, Nhà Giàn loại nhỏ thì có khoảng 60 bồn rau. Còn đối với những Nhà Giàn thế hệ mới như DK1/14, DK1/15 thì do diện tích lớn có thể đặt được khoảng 200 bồn. Hầu hết, các loại rau đều có mặt trên này như rau muống, rau cải, rau khoai, rau dền đỏ, rau đay… Đến cả những loại rau thơm làm gia vị cũng được trồng. Trung úy Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó chỉ huy trưởng Nhà Giàn DK1/15 cho biết: Đối với Nhà Giàn cũ, do ít bồn nên rau chỉ được thái nhỏ rồi nấu canh cho 2 bữa ăn. Nhưng đối với Nhà Giàn thế hệ mới thì thỉnh thoảng còn có được một đĩa rau xào, rau luộc. Những hôm đó, coi như cả Nhà Giàn liên hoan vậy. Trong năm 2012, Nhà Giàn DK1/15 tăng gia được 862 kg rau xanh các loại, hơn 100 lít nước mắm, 600 kg giá đỗ.

Không chỉ trồng rau, lính Nhà Giàn còn chăn nuôi. Nhà giàn nào cũng tận dụng khoang dưới cùng để làm nơi nuôi nhốt lợn, gà, vịt. Chuồng được thiết kế bằng những thanh gỗ, vây lại để tránh gió. Thức ăn chính là những phụ phẩm trong bữa ăn của anh em. Mỗi ngày, tiền ăn của anh em được 90 ngàn đồng. Anh em quyết định trích một phần trong đó rồi nhờ mua gà, lợn con trong đất liền. Cũng giống như trồng rau, việc chăn nuôi ở trên Nhà Giàn không khác việc đánh một ván bài may rủi. Việc đưa con giống và lựa chọn được giống vật nuôi thích nghi với thời tiết ở giữa đại dương mênh mông là khó nhất. Bởi chỉ cần một cơn gió độc thì toàn bộ số gà, vịt nhiễm bệnh, lăn ra chết hết.

Anh Phú kể: Vừa rồi, tàu trực có chở chó, gà, vịt ra cho Nhà Giàn nhưng mới nuôi được khoảng 1 ngày thì 15 con vịt lăn quay ra chết.  Cứ 2 tháng một, lứa gà vịt, lợn được làm thịt  hết, lại quay vòng nuôi lứa mới. Thời điểm chúng tôi có mặt, Nhà Giàn DK1/9 có 2 con lợn, mỗi con nặng khoảng 50 kg, 12 con vịt và 20 con gà và 1 con chó. “Nếu nuôi không khéo thì gà, vịt rất dễ nhiệm bệnh. Khi đã nhiệm bệnh rồi thì rất khó chữa trị do thiếu thuốc men nên cách tốt nhất là làm thịt hết rồi để ăn dần. Điều đặc biệt, gà nuôi ở đây đều là gà trống. Tiếng chó sủa, gà gáy và những khoảnh rau tươi tốt ở đây còn là “liều thuốc” tinh thần cho người lính hải quân. Cứ mỗi lần nghe tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ai cũng có cảm giác như đang ở nhà, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi phần nào”, anh Phú tâm sự.

So với đất liền thì Nhà Giàn không bao giờ thiếu cá. Sau giờ huấn luyện, các chiến sỹ lại mang cần ra câu. “Ngày nhiều thì câu được 30 kg. Nhưng có ngày lại không câu được con nào vì chỉ cần dòng chảy thay đổi, gió lớn là anh em chịu thua. Trung bình mỗi tháng, anh em câu được từ 70-90 kg cá để đảm bảo chất tươi cho cán bộ, chiến sỹ trên Nhà Giàn” anh Phú nói. Trong năm 2012, chiến sĩ Nhà Giàn DK1/9 đã câu được hơn 800 kg cá các loại; làm được 70 lít nước mắm; 80 kg đậu tương; tăng gia, nuôi heo, gà, vịt gần 200 kg. Thi đua tăng gia sản xuất, nên trong bữa cơm của các anh luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe để công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cuộc sống của lính Nhà Giàn DK1 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng chính tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương, Tổ quốc đã tiếp thêm sức mạnh, giúp các anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.


Phạm Bằng