(Baonghean.vn) - Thực tế cho thấy có thể các luật chuyên ngành đều có các quy định liên quan đến vấn đề cạnh tranh rất chuyên ngành, rất đặc thù và phù hợp, song hoàn toàn khác với các quy định của Luật Cạnh tranh.
Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Phát biểu góp ý vào dự thảo luật về mô hình Cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy có 2 luồng ý kiến: thứ nhất đề nghị Cơ quan quản lý cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương và đề nghị Cơ quan quản lý cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để có thể thực hiện việc giám sát, xử lý cạnh tra hiệu quả và khách quan hơn.
Tuy nhiên theo đại biểu đến từ đoàn Nghệ An, vấn đề quan trọng cần được quan tâm ở đây là tính chuyên môn, chuyên nghiệp và trách nhiệm thật sự của Cơ quan quản lý cạnh tranh, mà không phải là vấn đề vị thế của Cơ quan quản lý cạnh tranh.
Ông Nguyễn Thanh Hiền dẫn chứng: Thời gian qua, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh như: vụ các hãng vận tải ngầm thỏa thuận giữ giá mặc dù giá xăng xuống thấp, giá sữa vẫn cao trong khi nguyên liệu sữa xuống thấp,…. nhưng Cơ quan quản lý cạnh tranh không lên tiếng. Trong khi đó, các cơ quan khác phải loay hoay tìm giải pháp hành chính can thiệp một cách phi thị trường.
“Mà những trường hợp này thì hình như vai trò của Cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh không phải bị vướng vì vị thế mà thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương” - đại biểu Thanh Hiền bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Hiền nêu vấn đề: Với các quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 4, thật sự chưa làm rõ được sẽ ưu tiên áp dụng luật pháp nào trong trường hợp có mâu thuẫn giữa Luật pháp về cạnh tranh và các luật chuyên ngành?
Thực tế hiện nay cho thấy có thể các luật chuyên ngành như Luật các tổ chức tín dụng (đơn cử ví dụ về điều khoản chuyển giao bắt buộc), Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Viễn thông, Luật Quản lý giá, cơ chế chỉ định thầu trong an ninh, quốc phòng,… đều có các quy định liên quan đến vấn đề cạnh tranh rất chuyên ngành, rất đặc thù và phù hợp, song hoàn toàn khác với các quy định của Luật Cạnh tranh.
Do đó, để tránh các xung đột pháp lý với thực tế là pháp luật về cạnh tranh mới chỉ đi được những bước chập chững ban đầu, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị: “Các quy định luật pháp chuyên ngành cần được ưu tiên áp dụng trước các quy định pháp luật về cạnh tranh, thông qua việc thiết kế điều khoản ngoại lệ quy định các lĩnh vực được loại trừ không áp dụng luật cạnh tranh một cách rõ ràng và phù hợp. Đây cũng là cách mà nhiều nước đang áp dụng, đặc biệt là đối với các ngoại lệ trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng”.
Về mặt kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho biết, một số chuyên gia cho rằng nhiều quy định của dự thảo luật đặt ra nhưng không tính đến điều kiện bảo đảm thi hành, ví dụ như các quy định về vị trí thống lĩnh thị trường căn cứ trên tỷ lệ thị phần của doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp) trên thị trường.
Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp không có khả năng tham chiếu hệ thống thông tin công khai của các cơ quan quản lý Nhà nước để xác định được thị phần của mình trên thị trường có thuộc ngưỡng bị cấm hay không, đấy là chưa nói đến vấn đề xác định thị phần trong một số trường hợp đặc thù, ví dụ như thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng…
Tương tự, Điều 33 quy định về ngưỡng thông báo về tập trung kinh tế dựa trên tổng tài sản trên thị trường Việt Nam, tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam, … đang còn được dự thảo rất sơ bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng thời kỳ.
“Đây là vấn đề quan trọng có tính cốt lõi và ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng của cơ quan nhà nước và quyền của doanh nghiệp, do vậy đề nghị phải được quy định trong Luật, để đảm bảo tính rõ ràng và khả năng áp dụng trên thực tế” - ông Hiền nhấn mạnh.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng nêu một số vấn đề liên quan đến đối tượng áp dụng của Luật canh tranh; các trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
PV - CTV