(Baonghean) - Tại các siêu thị trên địa bàn Thành phố Vinh, mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn rất phong phú, từ món ăn thuần Việt đến món ăn kết hợp giữa tây và ta. Nhưng liệu thực phẩm chế biến sẵn có an  toàn?
 
Từ loại đã làm thành món ăn đông lạnh đến các món tươi sống tẩm ướp sẵn, hoặc đã nấu chín. Có thể kể đến hàng trăm món ăn khác nhau, như dưa chuột bao tử muối, mắm tép chưng, bánh bao, há cảo, lạp xưởng, xúc xích, cá kho ướp sẵn gia vị… Và nếu so với loại thực phẩm tươi sống, giá không chênh lệch nhiều, thậm chí nhiều loại giá bán còn thấp hơn. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn là tính tiện lợi, đa dạng. Nhiều  thực phẩm đông lạnh được đánh giá là ổn định nhất do đã qua khâu kiểm định nghiêm ngặt từ đầu vào, khâu chế biến, có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng, công bố chất lượng minh bạch. Và đây cũng là một trong những mặt hàng lợi thế cạnh tranh của các siêu thị để "kéo" người tiêu dùng (NTD) đến mua sắm. Nhưng vẫn có một số mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
images813179_tph.jpgThực phẩm chế biến sẵn tại siêu thị
Không chỉ ở siêu thị, tại các chợ truyền thống, thực phẩm chế biến sẵn cũng được bày bán phổ biến, như vịt quay, vịt hầm, thịt nướng, chả cá,  thịt cầy ướp sẵn, đậu phụ nhồi thịt... cũng được nhiều NTD chọn mua vì tiết kiệm thời gian nấu nướng. Nhưng trong quá trình sơ chế hầu hết các sản phẩm này đều không đảm bảo VSATTP. Do điều kiện ở chợ thiếu nước rửa, môi trường không sạch sẽ nên việc vệ sinh trước khi sơ chế rất cẩu thả. Thịt, cua trước khi đưa vào máy xay chỉ được nhúng qua nước. Chiếc cối xay sử dụng nhiều lần mà không hề cọ rửa, tạo môi trường tốt cho vi khuẩn  phát triển. Hầu hết người bán hàng tại các chợ không dùng găng tay, tạp dề đảm bảo vệ sinh khi bán đồ chế biến sẵn cho khách...
 
Điều đáng nói ở đây là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liệu có được đảm bảo khi mua các loại thực phẩm chế biến sẵn, bởi NTD dễ dàng bị thu hút bởi màu sắc bắt mắt, mùi thơm, độ giòn hấp dẫn... Chị Nguyễn Thị Lam (nhân viên  bưu điện)  cho biết: "Các loại thực phẩm chế biến sẵn tiện dụng, món ăn đa dạng, nên tôi cũng thường mua để sử dụng. Song có lần tôi mua một gói giò heo ở siêu thị, khi về nhà mở ra phát hiện khúc giò đã bị chảy nước nhớt và có mùi lạ”.
 
Thực phẩm bao gói sẵn hay đồ hộp được nhiều người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, độ an toàn... Tuy nhiên, nếu không có những hiểu biết đúng khi sử dụng những thực phẩm này, người tiêu dùng dễ tự “rước họa” vào thân. Sai lầm thường gặp nhất là bảo quản thực phẩm chế biến sẵn không đúng cách. Chị Hoàng Thị Bích ở xóm 16, xã Hưng Lộc (TP Vinh) cho hay: “Mẹ con tôi thỉnh thoảng đi siêu thị cũng mua xúc xích, dăm bông để ăn sáng với bánh mì. Vì nghĩ rằng những sản phẩm này an toàn, có lần tôi mua một gói xúc xích Đức Việt để luôn trong ngăn đá đến mấy tháng trời vẫn đưa ra sử dụng. Đến khi tình cờ đọc thông tin về cách bảo quản xúc xích tôi mới "tá hỏa", vì biết dù được bảo quản ở nhiệt độ -20 đến -150 độ C, xúc xích cũng chỉ để được không quá 3 tháng. Trong khi đó, ngăn đá của tủ lạnh gia đình chỉ đạt được -10 độ C". 
 
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Minh Thành- nhà phân phối chính thức các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn Vissan trên thị trường Nghệ An cho hay: Hiện ngành hàng này có khoảng 300 mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, tiêu thụ nhanh nhất vẫn là hàng tẩm ướp thức ăn nấu sẵn. Trong tình thế cạnh tranh nhau về chất lượng, giá cả, nên thực phẩm chế biến sẵn ngày càng có xu hướng chững giá. Hiện, có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn có giá bằng hoặc rẻ hơn so với các chợ như hải sản, các loại cá biển, một số loại rau và thịt... Với những mặt hàng phải qua nhiều công đoạn chế biến, giá cũng chỉ đắt hơn khoảng từ 5 -10%. "Quan trọng nhất trong việc lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn là hạn sử dụng. Phải luôn chắc rằng loại thực phẩm mình mua chưa hết hạn. Khách hàng cần chú ý đến bao bì, hộp đựng các sản phẩm vì chỉ cần bị rách hay méo mó, han rỉ là những vi khuẩn độc hại có môi trường sinh sôi nảy nở. Nên hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn ở chợ không rõ nguồn gốc vì không ai bảo đảm được chất lượng và độ an toàn về vệ sinh của chúng" - ông Nguyễn Đức Thành khuyến cáo.
 
Theo số liệu của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho thấy, tuy được cảnh báo thường xuyên nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm dẫn đến chết người vẫn liên tục xảy ra. Trong năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, gây ngộ độc cho 78 người, 3 người bị tử vong. Tính từ đầu năm 2013 đến nay đã xảy ra 3 vụ, gây ngộ độc cho 383 người, 1 người bị tử vong. Được biết, trong dịp "Tháng hành động vì chất lượng VSATTP" năm 2013, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP do các sở, ban, ngành đã tổ chức kiểm tra 6.222 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Qua đó đã phát hiện 1.338 cơ sở vi phạm (trong đó có 1.021 cơ sở xử phạt hành chính, 231 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm...). Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó vì trên thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dù đã qua kiểm tra nhưng vẫn che mắt được các cơ quan chức năng và tiếp tục hành vi chế biến thực phẩm "bẩn" .
 
Nghệ An hiện có hàng nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, nên việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng như "muối bỏ biển". Người tiêu dùng chính là người giám sát chất lượng sản phẩm, nếu thấy không rõ nguồn gốc thì không nên sử dụng. Thiết nghĩ, với một địa bàn rộng lớn, sôi động, các ngành chức năng cần phải lập đường dây nóng tại các xã, phường, thị trấn để khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không rõ nguồn gốc, mất an toàn VSTP thì báo kịp thời để cơ quan chức năng xử lý. Làm được như vậy mới hy vọng góp phần cải thiện được tình trạng vi phạm VSATTP tràn lan như hiện nay.
 
Ngọc Anh