Ngày 29/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan này đã nắm được thông tin liệt sỹ Lê Giang Nam tìm về quê nhà ở xã Nam Kim (huyện Nam Đàn), sau 43 năm gia đình nhận được giấy báo tử.

“Hiện tại, Sở đang chờ báo cáo cụ thể từ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội huyện Nam Đàn để có hướng giải quyết trong thời gian tới”, vị đại diện Sở Lao động Thương binh & Xã hội Nghệ An nói và cho hay, sau khi cơ quan chức năng xác minh, trong trường hợp người trở về này chính là liệt sỹ Nam thì các chế độ chính sách mà gia đình được hưởng sẽ bị dừng.

bna_trove14433506_2932018.jpgÔng Lê Giang Nam hiện sống ở Bình Thuận với cái tên Nguyễn Mạnh Cường, quê Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, những chế độ chính sách liên quan đến sự hy sinh của ông như mẹ ông được công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng  cũng sẽ bị hủy bỏ. Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, trên địa bàn Nghệ An có không ít trường hợp liệt sỹ trở về sau khi gia đình đã nhận được giấy báo tử và hưởng các trợ cấp tương tự ông Nam.

Sau khi bất ngờ trở về quê, ông Nam hiện đang sinh sống tại nhà của em trai mình – ông Lê Nguyên Lan. Căn nhà cấp bốn một tuần nay lúc nào cũng chật kín khách. Hàng xóm, họ hàng nghe tin lần lượt đến chia vui cùng gia đình. Trong khi đó, nhiều đoàn công tác của cơ quan chức năng cũng có mặt để chia sẻ, xác minh sự việc.

Ông Nam được người em trai Lê Nguyên Lan chăm sóc sau hơn 50 năm xa cách. Ảnh: Tiến Hùng

Vẻ mặt lộ rõ sự mệt mỏi, vị cựu binh 72 tuổi nói rằng, trong suốt hàng chục năm qua, những thông tin ông nhớ được về quê hương rất mơ hồ. “Đó là do di chứng của lần bị thương”, ông Nam kể, giọng chậm rãi. Mỗi khi trò chuyện, ông phải nhờ tới máy trợ thính bỏ trong túi áo.

Năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Nam nhận được lệnh nhập ngũ, nhưng sau đó được hoãn vì bố ông đột ngột qua đời. Một năm sau, ông Nam nhập ngũ, tham gia chiến trường ở Quảng Trị.

Trong cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi tình trạng “lúc nhớ lúc quên”, ông Nam kể rằng, ông bị thương rất nặng trong trận đánh vào tháng 10/ 1968. Sau đó, ông Nam bị ngất lịm cho đến khi tỉnh dậy thì mới hay biết mình đã bị địch bắt, bị nhốt trong một cơ sở y tế ở Đà Nẵng. “Lợi dụng sơ hở của lính gác, tôi trốn ra ngoài, nhưng không biết đơn vị ở đâu để quay lại”, ông Nam kể.

Bằng Tổ quốc ghi công của ông Lê Giang Nam. Ảnh: Tiến Hùng

Vết thương ở đầu kéo gò má lệch, đầu đau nhức, một mắt kém, ông Nam dần mất trí nhớ. Cuối năm 1968, khi lưu lạc tới Bình Thuận, ông được một gia đình nông dân cưu mang, chữa bệnh. Sau đó gia đình này đã gả con gái cho ông. Vợ chồng ông Nam định cư ở xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh, Bình Thuận), sinh sống bằng nghề làm nông và có 8 người con. Thời gian này, ông Nam khai sinh với cái tên Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1950, quê Đà Nẵng. Gần đây khi thấy bố hồi phục trí nhớ, các con động viên để ông Nam cung cấp thông tin về quê hương.

Từ thông tin bố kể sinh ra ở xã có tên là Sơn (xã Nam Kim trước đây tên là Nam Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, gia đình có bốn anh em trai, anh Nguyễn Văn Vinh (con trai ông Nam) đăng lên facebook của Hội đồng hương Nam Đàn để nhờ tìm kiếm. Đoạn chia sẻ của anh Vinh nhận được hơn 450 lượt chia sẻ. Chỉ ít ngày sau, một người con của ông Lê Nguyên Lan (gọi ông Nam bằng bác ruột) đã kết nối được với anh Vinh.

Ngày 23/3 ông Nam được các con đưa về quê. “Ngày đoàn tụ, tôi buồn vì mẹ mất, anh trai đầu hy sinh và em út đã qua đời. Vợ tôi từng có di nguyện mong chồng tìm được quê hương cũng đã mất hai năm trước”, ông Nam kể.

Đoạn chia sẻ của con trai ông Nam. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, ông Lê Nguyên Lan kể rằng, năm 1975 gia đình nhận được giấy báo tử, thông báo anh Lê Giang Nam hy sinh ngày 31/10/1968. Từ đó đến nay, gia đình căn cứ vào thông tin này để cúng giỗ cho anh. Lúc gia đình nhận được giấy báo tử thì mẹ ông Nam đã mất vì nhiều năm đau buồn sau sự hy sinh của con trai đầu Lê Nguyên Bộ, còn ông Nam thì nhiều năm không tin tức. Những năm qua, gia đình đã nhiều lần đi tìm kiếm mộ liệt sỹ nhưng không nhận được thông tin gì. Với việc 2 người con được xác định hy sinh, mẹ ông Nam sau này được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Nam cho biết, thời gian tới sẽ trở lại nhà riêng ở Bình Thuận để sinh sống, bởi đó là nơi gia đình đã mưu sinh hàng chục năm nay. Hầu hết các con ông đã lập gia đình và sinh sống ở miền Nam.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, ông Lê Giang Nam nhập ngũ năm 1965, hy sinh năm 1968, đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công, hàng năm người thân hưởng chế độ hương khói.