Bóng đá Việt và khu vực từng có chuyện mới toanh về việc cầu thủ được gọi tập trung bổ sung, chỉ kịp đến địa điểm thi đấu vài ba tiếng là có thể xỏ giày vào sân, vẫn chơi “hay mọi nhẽ” ở Giải U23 Đông Nam Á tại Campuchia hồi đầu năm nay?
Vậy nên, tại kỳ SEA Games trên sân nhà, trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid-19 thì vẫn có thể có chuyện gọi lên tập trung cho tới giờ chót và nhập cuộc thi đấu luôn và còn thời gian cho phép thì vẫn cứ tiếp tục gọi bổ sung như đã từng làm trước đó chăng?
Thực ra, về lý thuyết điều nói trên là có cơ sở, nhưng lâu nay U23 Việt Nam vẫn tập trung luyện tập và thi đấu bình thường, không hề bị hao hụt lực lượng. Phải chăng, ông Park Hang-seo cứ lần lượt “đem lại niềm vui”, gỡ gạc niềm vui bằng những cuộc gọi bổ sung cho những học trò cũ, mới là có ý riêng, không thực sự phục vụ cho kỳ SEA Games 31 mà là những toan tính riêng chung, vừa dễ nói, vừa khó nói hơn?
Đúng là tại Giải U23 Đông Nam Á vừa qua, lực lượng của thầy trò ông Đinh Thế Nam luôn bị đặt trong thế thiếu hụt trầm trọng do cầu thủ mắc Covid-19 phải nghỉ cả giải, hoặc chỉ thi đấu được 1-2 trận lại phải cách ly theo quy định. Không chỉ mỗi U23 Việt Nam gặp phải tình cảnh này mà hầu như đội nào cũng phải để ngoài nhiều cầu thủ chủ lực. Hơn nữa, U23 Indonesia-đối thủ đáng gờm nhất không tham dự, trong khi thực chất U23 Thái Lan chỉ là các cầu thủ lứa U19 được đưa đi cọ xát, thử lửa.
Dù đánh giá cao U23 Việt Nam giành được ngôi vô địch lần đầu tiên ở giải đấu khu vực, thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, đó không phải là lứa U23 xuất sắc nhất của bóng đá Việt hiện tại và đối thủ tới đây tại SEA Games 31 sẽ có đủ “binh hùng, tướng mạnh” sẵn sàng nghênh chiến với đội chủ nhà. Cả 2 HLV của U23 Indonesia và U23 Thái Lan đều là những đối thủ thực sự của ông Park Hang-seo trong khu kỹ thuật và họ không e ngại tuyên bố rằng sẽ đến Việt Nam để lật đổ thầy trò ông Park Hang-seo, mang tấm HCV môn bóng đá nam quý giá từ tay đội chủ nhà? Từ đó để thấy, sẽ khó và rất khó có chuyện các cầu thủ được bổ sung muộn, được nhận vé vớt đủ khả năng để vào cuộc ngay như câu chuyện ở Campuchia mấy tháng trước? Không được tập trung rèn luyện bài bản từ đầu, không theo kịp nhịp độ luyện tập và thi đấu, không am hiểu bài vở mới được truyền đạt thì rất khó để được tin cậy, tin dùng, ngay cả những “công thần” như Hai Long hay Hữu Thắng, những người chỉ có tên sau 2 trận đấu sàng lọc cuối cùng với U20 Hàn Quốc?
Tất nhiên, hơn ai hết chính những cầu thủ được gọi bổ sung mới nhất sẽ hiểu điều đó. Và ngay cả số 27 cầu thủ đầu tiên được gọi cũng sẽ nhận ra điều gì phải đến sau 2 trận đấu với U20 Hàn Quốc với mình, thông qua thời gian được thi đấu trên sân, thông qua mức độ hoàn thành nhiệm vụ, qua việc được gọi riêng để tập luyện thêm so với các đồng đội khác…
Có người nói rằng, bằng cách gọi lần lượt hầu hết các học trò lứa U23 lâu nay lên tập trung, gần như không sót một ai, ông Park Hang-seo đã “ghi điểm” trước hết trong mắt các học trò mà ông từng dìu dắt, nâng đỡ, thậm chí từng loại thải lâu nay? Nhưng cũng có ý kiến nói thêm rằng, việc làm này thể hiện sự lúng túng, thiếu nhất quán của ông thầy người Hàn Quốc khi không đem lại điều gì mới mẻ về lực lượng, chỉ tạo ra sự “đông mà không tinh” “đông mà không mạnh” của U23 Việt Nam trước trận đánh lớn, dù trong tay ông hiển nhiên đã có sơ đồ, có bộ khung cơ bản sau nhiều ngày rèn luyện và tìm kiếm?
Khi ông Park Hang-seo vẫn ngày ngày cho bổ sung quân và ém tin về con số cuối cùng, mọi việc vẫn “rối” có chủ đích trước mắt đối thủ? Đó là điều cần làm, phải làm chăng, khi ông thầy Hàn Quốc luôn mang trong mình biệt danh “phù thủy”? Rõ ràng, đối thủ của U23 Việt Nam lần này hoàn toàn không dễ chơi, trái lại đó đều là những đội bóng được đầu tư, có thực lực và mang tham vọng lớn về những cuộc “soán ngôi” không hề giấu diếm. Và cuộc chiến thực ra chỉ đang ở thời kỳ chuẩn bị, tập hợp lực lượng và lên kế hoạch trên sa bàn. Mọi việc trên sân cỏ chưa diễn ra, những bất ngờ thú vị đang giấu mặt ở đâu đó nên chưa thể công khai điều gì, trừ những màn tung hỏa mù đây đó. Ông Park Hang-seo nếu có làm ai đó không bằng lòng thì cũng là điều dễ hiểu, dễ chấp nhận trong bối cảnh hiện nay?