(Baonghean) - Thứ Năm, ngày 23/4, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ trong một cuộc họp thượng đỉnh bất thường nhằm ngăn chặn những bi kịch từ việc nhập cư trái phép diễn ra trên biển Địa Trung Hải cũng như tìm kiếm sự đoàn kết giữa các thành viên trong việc tiếp nhận người tị nạn.

Theo một bản kết luận dự thảo của cuộc họp mà tờ Le Monde được tiếp cận vào sáng ngày 23/4, đầu tiên, văn bản nhấn mạnh việc cam kết tăng cường “nhanh chóng” các hoạt động được tiến hành dưới sự bảo trợ của Cơ quan kiểm soát đường biên giới bên ngoài châu Âu (Frontex) tại Đại Trung Hải. 

Biểu tình chống chính sách nhập cư của châu Âu ở Thủ đô Athens, Hy Lạp hôm 22/4. Ảnh: AFP
Biểu tình chống chính sách nhập cư của châu Âu ở Thủ đô Athens, Hy Lạp hôm 22/4. Ảnh: AFP

Nhiệm vụ giám sát “Triton” và “Poseidon” của Frontex sẽ được tăng thêm “các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ”. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi các nhiệm vụ cần phải thay đổi để thích nghi và phải mở rộng thêm các khu vực can thiệp. Hơn nữa, việc gia tăng nhiệm vụ có thể khiến nguồn lực vật chất dành cho các chiến dịch sẽ phải tăng thêm cũng như cần thêm sự tham gia của các lực lượng hải quân các nước thành viên khác. Các nước Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đang xây dựng thêm các cam kết của mình nhưng họ cũng đang chờ đợi để xem đâu là những nỗ lực của các quốc gia còn lại.

Về mặt tài chính, dự thảo đề cập tới việc các khoản ngân sách “tăng ít nhất là gấp đôi trong năm 2015 và 2016”. Một thử nghiệm về công tác “tự nguyện” tiếp nhận 5.000 người tị nạn đang có mặt tại các trại tị nạn ở Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được đưa ra thảo luận tại Ủy ban. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được giải quyết trước khi các cuộc thảo luận bắt đầu.  

Những lời hứa hẹn khác cũng sẽ được đưa đến 5 quốc gia gồm: Ai Cập, Tunisia, Sudan, Niger và Mali. Theo đó, để tránh những lượt di cư lớn, các nước châu Âu sẽ nhận hỗ trợ tài chính và hỗ trợ cho việc giám sát biên giới cho các nước trên. Đổi lại, Liên minh hy vọng sẽ thuyết phục được các nước này nhận lại những người di cư bị từ chối tị nạn ở châu Âu. Thêm vào đó, những cuộc thảo luận giữa các nước thành viên về cuộc chiến chống mạng lưới những kẻ buôn lậu người vẫn tiếp tục gây tranh cãi và mơ hồ. 

Trước những tiết lộ về bản dự thảo kết luận của buổi họp, Tổ chức Ân xá quốc tế tại Pháp đã bày tỏ sự thất vọng của mình đối với những gì đang diễn ra. Tổ chức phi chính phủ này cho biết, châu Âu có thể sắp áp dụng một trong những kịch bản tồi tệ nhất, khác xa với những kêu gọi khẩn cấp mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra về việc thành lập một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn.

Chu Thanh(Theo Le Monde 23/4)