(Baonghean) - Trong Hội nghị lần thứ 3 của Liên Hiệp Quốc bàn về vấn đề giảm nhẹ thiên tai được tổ chức từ ngày 14 đến 18/3 tại Thành phố Sendai Nhật Bản), Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon mong muốn các bên sẽ tìm ra được một khuôn khổ mới trong công tác phòng, chống thiên tai. 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm 14/3 tại Sendai (Nhật Bản). Ảnh: AP

Trước đó, vào ngày 4/3, một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về giảm nhẹ rủi ro (GAR15) cho biết, mỗi năm các thảm họa tự nhiên khiến cho nền kinh tế các nước trên thế giới thiệt hại từ 250 đến 300 tỷ USD. Trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2012, có khoảng 42 triệu sinh mạng bị cướp đi bởi các thảm họa tự nhiên. Và điều đáng báo động hơn là tình trạng trên ngày càng trở nên xấu đi.

Do đó, phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia “nỗ lực hỗ trợ lẫn nhau” cùng chung vai chiến đấu để giảm nhẹ những thiệt hại trong thiên tai. Ông Abe cũng đưa ra một đề xuất nhằm giảm những thiệt hại do thiên tai trị giá 4 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.

Bà Margareta Wahlstrom - Đại diện đặc biệt của Liên Hiệp quốc về vấn đề phòng, chống thiên tai tuyên bố việc thông qua Khung hành động (HFA) sau Hội nghị lần thứ 2 bàn về vấn đề giảm nhẹ thiên tai là một quyết định chính xác và cần thiết. Theo bà Wahlstrom, HFA giúp khuyến khích các chính phủ phải có những biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai. GAR15 ước tính, kể từ năm 2007, có hơn 120 quốc gia đã thực hiện những cải cách theo hướng này.

Phát biểu tại Sendai, ông Laurent Fabius - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp cho biết “Người ta ước tính hơn 70% thảm họa thiên tai có liên quan đến sự biến đổi khí hậu. Tỷ lệ này đã tăng gấp 2 lần trong vòng 21 năm qua và nó sẽ còn tăng lên nữa trong tương lai”. Sau cùng, ông Fabius hy vọng hội nghị sẽ đạt được những kết quả cụ thể bởi “chính sự thành công của Seindai sẽ là chìa khóa mở ra sự thành công của Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu COP 21 sẽ được tổ chức tại Paris vào tháng 12 tới đây”.

Tại Hội nghị Sendai, Liên Hiệp quốc mong muốn đưa hội nghị đi xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh thiên tai ngày một xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại nhiều hơn ở các khu vực đảo, các khu vực đô thị hóa nhanh. Ban tổ chức cũng hy vọng các chính phủ đề ra các mục tiêu nhằm giảm bớt thiệt hại và thương vong, đồng thời làm cách nào đó để khiến các công ty tư nhân cũng phải vào cuộc.

Hiện, các đại diện đến từ hơn 160 quốc gia cũng đang tìm kiếm cách xây dựng và thiết lập một hệ thống “Cảnh báo thảm họa khí hậu” cho phép thông báo với nhau nơi thảm họa bắt đầu và cũng như những nơi có thể ẩn nấp. Và trong lĩnh vực này, Nhật Bản luôn là quốc gia tiên phong. Nhật Bản đã cho phát triển một hệ thống cảnh báo khi xảy ra động đất và sóng thần. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại của tất cả người dân khi xảy ra thiên tai. Thủ tướng Abe cho biết, ý tưởng này được đưa ra sau khi tái thiết lại Tohoku - khu vực phía Đông Bắc Nhật Bản bị sóng thần tàn phá vào năm 2011.

Vấn đề kinh phí cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong hội nghị. Theo GAR15 tính toán, chỉ cần đầu tư 6 tỷ USD mỗi năm cho công tác phòng chống là có thể giúp giảm thiệt hại lên đến 360 tỷ USD trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, bà Wahlstrom lại cho rằng “việc chi tiêu cho công tác phòng, chống sẽ không hay bằng việc chi tiêu cho công tác tái thiết lại các khu vực bị thiên tai ảnh hưởng”.

Chu Thanh 

Theo Le Monde

TIN LIÊN QUAN