Từ tình thương đến hành động

Những ngày đầu tháng 10, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vì mưa gió, chính quyền cùng nhiều tổ chức, đơn vị đã có mặt tại cầu Bến Thủy II để hỗ trợ người lao động trở về. Trong đó, có những chiếc áo màu xanh của tổ chức công đoàn. Chứng kiến những vất vả, khó khăn không thể đong đếm được của người lao động, ngày 6/10, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã quyết định triển khai chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho những công nhân lao động này với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người. Quyết định nhân văn này đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của hàng ngàn công nhân lao động.

bna_kha_tam3694653_10102021.jpgLao động trở về từ các tỉnh phía Nam trong những ngày mưa gió. Ảnh: LĐLĐ

Theo kế hoạch ban đầu, chương trình này được áp dụng cho những đối tượng là lao động đang làm việc trong năm 2021 tại các doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn thuộc tỉnh phía Nam và có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể: Lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi; người lao động có vợ, hoặc chồng, hoặc con bị mắc bệnh phải chữa trị dài ngày; Đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang hưởng trợ cấp hàng tháng; đoàn viên trong năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất...; gia đình CNLĐ là hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Cán bộ công đoàn LĐLĐ tỉnh nấu xôi sáng gửi đến người lao động trở về từ các tỉnh phía Nam ở cầu Bến Thủy II. Ảnh: LĐLĐ
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, ngày 08/10, LĐLĐ tỉnh Nghệ An ban hành văn bản sửa đổi với 2 điểm có lợi cho người lao động: Tiêu chí “Lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi” thành "Người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 72 tháng tuổi (tính đến thời điểm làm thủ tục)”; Người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không vi phạm các quy định phòng chống dịch, nếu có thẻ đoàn viên Công đoàn (mẫu mới từ năm 2020 đến nay) thì được phép chi hỗ trợ ngay mà không cần các thủ tục khác.
 
Chia sẻ về sự thay đổi này, bà Hoàng Thị Thu Hương – Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động cho biết: “Ngay trong ngày đầu tiên kể từ khi thông tin về chương trình được tuyên truyền rộng rãi, hàng trăm lượt công nhân lao động đã kết nối với đường dây nóng của LĐLĐ tỉnh để nhận tư vấn, hỗ trợ. Quá trình tư vấn, chúng tôi nhận ra tỷ lệ người đủ điều kiện hỗ trợ không cao. Những thay đổi sẽ giúp gói hỗ trợ đến được với nhiều công nhân lao động hơn và đảm bảo tính kịp thời của chương trình hơn”.
 
Những ngày vừa qua Công đoàn Nghệ An đã có mặt tại cầu Bến Thủy II để hỗ trợ công nhân lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Ảnh: PV

Để thực hiện chương trình hỗ trợ khẩn cấp, LĐLĐ các huyện, thành, thị có nhiệm vụ tiến hành phát phiếu khảo sát thông tin cho lao động trở về từ miền Nam, tổng hợp phiếu và phân loại các đối tượng. Sau khi LĐLĐ tỉnh xác minh doanh nghiệp nơi người lao động làm việc có đóng kinh phí công đoàn, LĐLĐ các huyện, thành, thị sẽ tiến hành chi hỗ trợ theo từng đợt cho người lao động bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.

Dốc sức vì người lao động

Chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ này, đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ công đoàn Nghệ An cần vào cuộc với quyết tâm, trách nhiệm và nỗ lực cao nhất, các đơn vị cần linh động, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tạo điều kiện giải quyết nhanh nhất cho người lao động. Trong quá trình triển khai, cần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch”.

LĐLĐ thành phố Vinh và LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn thăm, động viên lực lượng trực khu cách ly tập trung và phát phiếu khảo sát cho người lao động. Ảnh: PV

Từ tinh thần của những người đứng đầu, Công đoàn Nghệ An đã rốt ráo bắt tay vào thực hiện chương trình từ ngày 08/10, tiến hành khai báo, tư vấn cho người lao động liên tục, không kể giờ giấc, không phân biệt ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. LĐLĐ tỉnh cũng đã cử thêm cán bộ công đoàn cơ quan xuống hỗ trợ các những địa phương có đông công nhân lao động. Để đảm bảo tính an toàn và nhanh gọn, một số LĐLĐ huyện, thành, thị đã sáng tạo khi ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát và sàng lọc đối tượng được nhận hỗ trợ.

Vì có khu cách ly của tỉnh với số lao động tập trung đông, Công đoàn Cửa Lò đã nhanh chóng áp dụng hình thức quét mã QR để người lao động nhận và điền phiếu khảo sát qua điện thoại thông minh. Cách làm này không chỉ hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình thu thập dữ liệu, mà còn tối giản thời gian sàng lọc và vẫn đảm bảo tính chính xác cao. Tưng tự, LĐLĐ TP. Vinh và một số địa phương khác cũng áp dụng các hình thức quét mã QR kết hợp phát phiếu khảo sát. Lao động điền phiếu xong sẽ chụp lại và gửi về cho cán bộ công đoàn qua thông qua số điện thoại được in trên phiếu.

Nhận thấy mình đủ điều kiện để nhận gói hỗ trợ từ Công đoàn Nghệ An, chị Vũ Thị Mậu (Yên Thành) thổ lộ: “Tôi đang mang thai đứa con thứ 3 ở tuần 36 và là đoàn viên công đoàn của một công ty ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Những tháng qua là những tháng vô cùng khó khăn đối với tôi vì vừa không có thu nhập, vừa thiếu thốn, vừa chán nản... Sự hỗ trợ, tư vấn tận tình của những cán bộ Công đoàn Nghệ An khiến tôi cảm thấy ấm áp, được động viên rất nhiều. Tôi hy vọng gói hỗ trợ sẽ đến tay người lao động sớm nhất có thể, đảm bảo tính khẩn cấp mà LĐLĐ tỉnh đã đề ra”.

Công đoàn ở nhiều huyện, thành, thị dán mã QR để công nhân thực hiện khảo sát trên thiết bị di động. Ảnh: PV
Những ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày chị Hoàng Diệu Hoa - 1 trong 2 người trực đường dây nóng hỗ trợ người lao động của LĐLĐ tỉnh nhận từ 40-50 cuộc điện thoại hỏi về chương trình hỗ trợ, mỗi cuộc điện thoại kéo dài khoảng 5 phút và ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả giữa trưa nay khuya muộn. Chia sẻ về công việc, chị Hoa nói: "Quan trọng nhất là tôi cần phải nắm thật chắc các quy định liên quan, luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ người lao động". Cũng theo chị Hoa, tỷ lệ lao động làm tự do liên lạc về đường dây nóng là rất cao, phần lớn họ đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Vì họ không phải là đối tượng nhận được sự hỗ trợ từ Công đoàn Nghệ An nên chị Hoa đã giới thiệu và hướng dẫn họ làm hồ sơ để nhận những gói hỗ trợ phù hợp hơn từ Chính phủ.
Trăn trở của chị Diệu Hoa cũng là nỗi lòng của nhiều cán bộ công đoàn đang làm nhiệm vụ khảo sát, hỗ trợ người lao động ở các huyện, thành, thị trên toàn tỉnh. Bên cạnh những niềm vui nhận được hỗ trợ, rất nhiều lao động phải ngậm ngùi khi biết mình không đủ điều kiện. Anh Phạm Mạnh Cường (Nghĩa Đàn) là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Anh chia sẻ: “Vợ chồng tôi từng là công nhân nhưng không giữ lại giấy tờ nào để chứng minh, cũng không thuộc diện khó khăn mà LĐLĐ tỉnh liệt kê. Hy vọng thời gian tới, những gói hỗ trợ như thế này sẽ được mở rộng thêm đối tượng và linh động hơn trong phê duyệt để thêm nhiều lao động có thể tiếp cận”, anh Cường chia sẻ.
 
Cán bộ công đoàn LĐLĐ thị xã Cửa Lò làm việc không kể ngày nghỉ để rà soát đối tượng nhận hỗ trợ. Ảnh: PV
 
Người lao động có thể liên hệ với các tổ công tác của công đoàn tại các điểm cách ly; liên hệ với LĐLĐ huyện, thành, thị; hoặc gọi điện thoại cho đường dây nóng của LĐLĐ tỉnh: 0375037037, 0919742006 để nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ tổ chức công đoàn.