(Baonghean) - Mấy năm nay, đường ngoại nhà mình dường như bỏ thói quen mua lịch Tết. Chả là bác Hữu, ở cùng xóm, giữ một chức vụ gì đó kha khá trên huyện.
Thú thực, cũng ít người biết cụ thể cái ghế của bác ấy đang ngồi ở vị trí nào, nhưng vẫn cứ xì xầm kháo nhau rằng, “đỉnh” lắm! Cho dù cán bộ thuộc hàng “có số có má” nhưng bác Hữu được cái là rất gần gũi với bà con lối xóm. Khách khứa xa gần qua lại nhà bác tất nhiên nhiều. Quà cáp đơn sơ kiểu như hoa quả, bánh kẹo chất tủ lạnh không hết, bác cho người giúp việc mang biếu bà con. Tuy nhiên, món quà “phổ thông đầu hộ” nhất, đồng thời làm bà con “sướng về tinh thần” nhất vẫn là lịch Tết.  
Năm nào cũng vậy, hễ cứ đến dịp Tết là cả xóm đằng ngoại nhà mình, cứ trong vòng bán kính cỡ năm trăm mét đổ lại thì hầu hết đều được hưởng lịch Tết nhà bác Hữu. Chỉ có điều là chả lịch nhà nào giống lịch nhà nào. Thứ thì to, thứ thì nhỏ, thứ thì in hình diễn viên thứ thì lại khảm nổi danh lam thắng cảnh… Đặc điểm chung duy nhất là tất thảy đều trang trọng in tên đơn vị đã “Chúc mừng năm mới” lên... trang nhất. Cái thì xí nghiệp gạch ngói A, cái thì công ty chế biến muối ăn B, rồi thì trường cao đẳng C, Trung tâm phục hồi chức năng D, Hợp tác xã vận tải E… vân vân và vân vân. Nhà cô Nụ nghèo nhất xóm mà vẫn trang trọng treo quyển lịch mang tên “Tổng giám đốc Tập đoàn TTK kính biếu”. Còn hiệu cầm đồ Vinh Long thì được “Hội người tàn tật chúc mừng”. Vui đáo để! Thôi thì nghĩa cử bác Hữu biếu lịch cũng là sự gắn kết giữa bà con với bà con, giữa bà con với bác ấy. Coi như nó là một sự phân phối lại cho một sự phân phối bất hợp lý trước đó. Bác không dùng hết thì đem biếu lại bà con, bỏ nó phí đi. Cảm ơn bác Hữu. 
Lịch được phát minh từ thời cổ đại. Phải nói, cùng với thời gian cuốn lịch trong mỗi gia đình cũng thay đổi không ngừng. Ngày xưa, mỗi dịp Tết về, dù khó khăn đến mấy mỗi nhà cũng cố gắng mua cho được một lốc lịch mới. Nó chỉ to chừng bàn tay, được in đen trắng trên những tờ giấy mỏng tang. Nội dung trình bày trên mỗi tờ lịch ngày ấy cũng giản đơn đến mức mộc mạc. Phía trên là tháng, ngày dương lịch, phía dưới là ngày tháng, âm lịch. Hết. Chỉ có chủ nhật hay ngày lễ trọng mới được in màu đỏ. Rất chân phương mà cũng đầy dung dị. Nhiều người có thói quen những ngày nào có sự kiện đáng nhớ thì xé cất tờ lịch ấy đi để làm kỷ niệm. Bây giờ thì khó mà tìm được một lốc lịch “quê mùa” kiểu ấy nữa. Bề thế của một lốc lịch ngày nay khác nhiều lắm. To gấp cả chục lần. Đã thế, mỗi tờ lịch lại còn được in màu vô cùng công phu. Nào là hình ảnh trang trí, nào là danh ngôn, rồi thì ghi rõ từng ngày lễ, từng tiết mùa. Những chi tiết như giờ Tý, ngày Mùi hay tháng Sửu đều được trình bày cụ thể bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán, thậm chí còn cả tiếng Anh. Giờ hoàng đạo, sao tốt, sao xấu thống kê bằng hết. Thỉnh thoảng còn  xen cả thơ nữa.
Lịch là công cụ đếm thời gian, giá trị đích thực, cổ điển và cốt lõi của nó có lẽ cũng chỉ nằm ở đấy. Nhớ không nhầm thì từng có câu chuyện kể về người đàn ông sống lưu lạc một mình trên đảo, mỗi lần mặt trời lặn ông đã thắt những nút dây để tính ngày tính tháng. Rất thô sơ nhưng sợi dây thắt nút ấy mới là “cuốn lịch” thực sự có ý nghĩa. Ngày nay, ngoài những giá trị phát sinh như quảng cáo hay trang trí, có khi, có nơi, có người thì lịch còn là một thứ quà tặng nhằm “chuyên chở” những quà tặng khác. Trong chiếc túi có một cuốn lịch, và trong cuốn lịch lại có… một chiếc túi! Thật tế nhị, kín đáo và không thiếu văn minh. “Văn minh đi Tết”! Năm hết tặng nhau cuốn lịch thì còn gì hợp lý bằng. Vừa là thông điệp thời gian, vừa là một hình thức “điểm danh” khôn khéo khi trên lịch không bao giờ thiếu thông tin công khai đủ danh phận người tặng. 
Tặng quà, chúc Tết là một tập quán đẹp đã tồn tại cả ngàn năm nay. Tuy nhiên, hễ cứ đến Tết là lịch, ai cũng tặng lịch và cơ quan nào cũng in lịch, thậm chí có đơn vị dùng không hết còn “ưu tiên” bán cho nhân viên, coi đó như là một thứ quà mang giá trị quảng bá thương hiệu đơn vị mặc định cho năm mới thì có nên không nhỉ? Trở lại câu chuyện của bác Hữu xóm ngoại nhà mình, dù đã phân phát từ đầu đến cuối làng, nhưng nhiều năm bác ấy vẫn buộc phải bỏ phí không ít lịch vì người ta mang đến cận ngày quá. Tiếc! 
Có thể coi lịch như một thứ đồng hồ đo thời gian ở trạng thái tĩnh. Lịch không chỉ có giá trị giúp chúng ta nhớ ngày không quên tháng mà còn nhắc nhở con người về ý thức sử dụng thì giờ như thế nào. Các Mác từng nói: “Mọi sự tíết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng: mọi sự lãng phí suy cho cùng cũng là lãng phí thời gian, tất nhiên kể cả lãng phí lịch. Bao giờ thì lịch không còn tấp đống ở nhà bác Hữu nữa? Tại sao đến nhà thầy chúc Tết bằng phong bì thì cứ nói thẳng là phong bì, cứ vòng vo “Bọn em có tờ lịch thăm thầy”? Oan cho lịch quá!
Chỉ có điều xin được nói thêm: Lịch - Calendar bắt nguồn từ tiếng La-tinh calendarium (tiếng La Mã cổ) có nghĩa là “sổ nợ”. 
Nguyễn Khắc An