(Baonghean) - Vừa nghe trên ti vi trích lại ý kiến của Ngân hàng Nhà nước rằng: “Tết âm lịch năm nay sẽ không phát hành thêm tiền mệnh giá nhỏ”, ngoại cu Tý liền chép miệng, tỏ ra chiều lo lắng: “Rứa thì lấy cấy chi mà lì xì”. Thấy lạ, cu Tý nhà ta hỏi tíu tít: “Tiền mệnh giá nhỏ là tiền chi rứa bà?”. “Là tiền lẻ!”, ngoại cu tý nôm na giải thích. Được ngoại cắt nghĩa, cu Tý như chợt hiểu ra rồi nhảy cẫng lên. Mà Tết Ất Mùi bà cũng đừng có lì xì bằng tiền lẻ nữa. Mấy năm rồi chỉ mỗi mình bà còn xài “mệnh giá nhỏ” thôi”. 

Ngoại cu Tý đang đứng như trời trồng bỗng ngồi phịch xuống ghế, trong đầu người đàn bà gần thất tuần ấy ngao ngán chồng lên nhau vô số câu hỏi. Tại sao? Tự bao giờ? Ai? Và cái gì đã “thực dụng hóa” đứa cháu 11 tuổi của bà nhanh như thế? Vâng, đấy là câu chuyện mà tôi vừa được nghe kể lại sáng nay. 

Lì xì là một phong tục có từ ngàn đời nay. Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ở Đông Hải có một cây đào to, rất nhiều yêu quái sống trong các hốc. Ngày ngày bọn yêu quái này tìm cách ra khỏi hốc cây để mang họa đến thiên hạ. Rất tiếc “âm mưu” này luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, cứ vào lúc giao thừa thì tất cả các thần tiên đều phải về trời để nhận công việc mới theo sự phân công của Thượng đế. Nhân cơ hội này, một loài yêu quái có tên là con Tuy xuất hiện để xoa đầu trẻ con đang ngủ. Hậu quả là những đứa trẻ này giật mình khóc thét rồi bị sốt hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy, các gia đình có con nhỏ thường thức suốt cả đêm để canh, không cho yêu quái tên Tuy làm hại con mình.

Rồi một lần có mấy vị tiên đi ngang nhà kia, hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ. Thấy vậy, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ. Khi con Tuy đến, những đồng tiền trong tấm vải đỏ liền lóe sáng khiến con Tuy sợ hãi bỏ chạy. Phép thuật này sau đó lan truyền ra khắp nhân gian. Từ đó, mỗi dịp khi tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, gọi là tiền mừng tuổi nhưng thực tế là để tống khứ con Tuy. Lại có chuyện khác kể rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ đời nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi hạ sinh một hoàng tử. Được tin mừng, vua Đường Huyền Tông đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong tấm giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng vừa là chiếc bùa hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này đồn đại ra ngoài dân gian, người ta bắt chước tặng tiền mừng và coi đây như món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều may mắn cho những đứa trẻ...

Đồng hành cùng thời gian, lì xì đã trở thành một phong tục đẹp của người Việt. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, khi cả gia đình sum vầy, con cháu sẽ có lời mừng tuổi ông bà, cha mẹ, sau đó con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì” lại một phong bao màu đỏ để lấy may. Như vậy, cho dù theo xuất xứ nào chăng nữa thì tiền lì xì vẫn là thứ mang giá trị phi vật chất. Nó là hành trang của ước vọng, là lời cầu nguyện xuất phát từ cõi sâu thẳm nhất của tình người, là thông điệp vô điều kiện của lòng nhân ái.

Rất tiếc, ngày nay, khi yếu tố tiền nong bắt đầu bám rễ và sẵn sàng “thôn tính” không ít mối quan hệ mỗi lúc không may có cơ hội thì lì xì không còn nguyên vẹn giá trị tinh khôi ban đầu của nó nữa. Không ít “bậc” phụ huynh coi lì xì đơn giản là một món tiền hoặc là trả ơn hoặc là mua ơn mà các “đệ” phải “đi tết” thông qua “mấy đứa nhỏ”. Giá trị đích thực của nó tùy thuộc vào những con số dài ngắn được bày biện trên đó mà người ta quen gọi là mệnh giá! Bởi thế những lì xì có khả năng “trừ tà” thời hiện đại phải là những túi lì xì thật to, thật dày, thật nặng và thật “ga lăng” mới... may mắn! Nghe nói có nhà nọ, hàng năm phải mở sổ tổng hợp tiền lì xì để thông qua đó nhằm đánh giá “tín nhiệm” từng mối quan hệ đấy thôi. Chính sự tham lam, thực dụng, thiếu hụt văn hóa của người lớn mới là thứ làm cho cu Tý chê “mệnh giá nhỏ” của bà ngoại. Một “tác dụng phụ” đáng sợ của tiền! 

Người viết bài này đã không dưới một lần chứng kiến hình ảnh những đứa bé ngang nhiên (thậm chí hồ hởi) mở túi xì xì lấy tiền rồi hồn nhiên vứt vỏ ngay trước mặt khổ chủ. Chúng biết tít mắt trước những món lì xì “đậm nét” và thè lưỡi trước những túi lì xì chưa đủ sức “trừ tà”. Chúng tụm ba tụm bảy để khoe với nhau về “doanh thu ngày mùng một”, chúng còn “trao đổi kinh nghiệm” làm thế nào để người lớn mở hầu bao... Chúng cũng không nể nang khi công khai phàn nàn “cô ấy giá năm ngàn” hay “bác kia trông phong độ thế mà hơi bị kẹo kéo”. Tôi không có ý định chỉ trích các cháu. Tôi khẳng định các cháu vô can, bởi chúng chỉ là những đứa trẻ. Chính người lớn đã cưỡng chế những tâm hồn non nớt phải thực dụng. Nếu có một chỉ trích thì người lớn mới là “bị đơn”. Người lớn đã kích hoạt và dung dưỡng cái xấu. Suy cho cùng thì những đứa trẻ đáng thương ấy chỉ là nạn nhân. Chính xác là nạn nhân của... người lớn! 

Nguyễn Khắc An