Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn
Ngày 17/12, đại đa số quốc gia thành viên Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR), khẳng định tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ người di cư và phát triển cộng đồng đón nhận người di cư. Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn, với mục tiêu giảm gánh nặng cho các quốc gia đến, đã nhận được 181/193 phiếu thuận. Mỹ và Hungary bỏ phiếu chống, trong khi 3 quốc gia khác là Cộng hòa Dominicana, Eritrea và Libya bỏ phiếu trắng.
Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thay vào đó hướng tới thiết lập một khuôn khổ thực hiện với các giải pháp quy mô quốc gia và khu vực, thảo luận vấn đề tài chính và các mối quan hệ đối tác tiềm tàng cũng như việc chia sẻ dữ liệu liên quan giữa các quốc gia. Ngoài ra, hiệp ước còn xây dựng các hệ thống giám sát tiến trình, trong đó có việc tổ chức Diễn đàn người tị nạn toàn cầu cấp bộ trưởng 4 năm một lần.
Nga chuẩn bị ứng phó trường hợp Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF
Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Thượng tướng Sergey Karakaev trả lời phỏng vấn báo Sao đỏ của Quân đội Liên bang Nga cho biết tất cả tác động của việc Mỹ rút khỏi INF, đưa tên lửa tầm trung vào châu Âu và những nguy cơ nảy sinh từ đó đe dọa nền an ninh của Nga đều được tính đến. Theo đó, một trong các biện pháp đối phó là từ nay cho đến hết năm Nga có kế hoạch phiên chế cho Quân đội khoảng 100 mẫu vũ khí mới, trong đó có tên lửa Yars cố định và di động.
Đây cũng là sự đáp trả đối với việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu. Ông Karakaev cho biết Nga tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật quân sự cho phép giảm đáng kể hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
WEF: Thế giới sẽ cần hơn 100 năm để đạt được bình đẳng giới
Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 18/12 cảnh báo thế giới sẽ phải mất hàng thế kỷ để đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc, bất chấp những nỗ lực của nữ giới. Báo cáo của WEF nói rằng đã có một số cải thiện về bình đẳng tiền lương trong năm 2018 so với năm 2017 - năm ghi nhận chỉ số khoảng cách tiền lương trên toàn cầu tăng lần đầu tiên trong vòng một thập niên. Nhưng theo WEF, sự cải thiện này lại bị “san bằng” bởi tình trạng suy giảm đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, cùng với sự bất bình đẳng lớn hơn trong khả năng tiếp cận với y tế và giáo dục.
Báo cáo của WEF cũng chỉ ra tình hình bình đẳng giới ở các quốc gia và khu vực là khác nhau. Theo ước tính của báo cáo, trong khi các nước Tây Âu có thể thu hẹp khoảng cách giới trong vòng 61 năm, các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ phải mất 153 năm.
Trung Quốc kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa, hướng tới mục tiêu 100 năm
Sáng 18/12, Trung Quốc đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Khoảng 3000 đại biểu tham dự buổi lễ. Tại buổi lễ, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng điểm lại những thành tựu Trung Quốc đạt được trong 40 năm qua và khẳng định quyết tâm tiếp tục cải cách mở cửa nhằm thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm do Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, suốt 40 năm qua, Trung Quốc đã kiên trì giải phóng tư tưởng, cầu thị với Chủ nghĩa Marx là học thuyết dẫn đường, kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì với con đường phát triển chính trị Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và “chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ”....
Mỹ phê chuẩn khoản hỗ trợ thứ hai cho nông dân trị giá 12 tỷ USD
Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn khoản thanh toán thứ hai từ gói hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD nhằm giúp những người nông dân đang phải chịu tác động nặng nề từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông đang thực hiện đúng cam kết bảo vệ nông dân Mỹ khỏi các biện pháp đáp trả thương mại của nước ngoài, khi cho phép Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) triển khai khoản thanh toán thứ hai trong gói cứu trợ.
Tháng Bảy vừa qua, USDA đã thông qua chương trình hỗ trợ cho nông dân, sau khi Trung Quốc áp đặt mức thuế 25% với đậu tương của Mỹ nhằm đáp trả các biện pháp thuế quan của Washington đối với hàng hóa Trung Quốc. Cơ quan này đã giải ngân đợt hỗ trợ đầu tiên vào cuối tháng Tám.
Tòa án mở phiên điều trần trước khi xét xử 18 thủ lĩnh xứ Catalonia
Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ngày 18/12 đã mở phiên điều trần sơ bộ trước khi bắt đầu xét xử công khai 18 thủ lĩnh ly khai xứ Catalonia, liên quan đến những cáo buộc tham gia vào âm mưu đòi độc lập bất thành hồi năm ngoái. Tuy nhiên, 18 bị cáo, trong đó có cả cựu Phó Thủ hiến Oriol Junqueras xứ Catalonia đều không có mặt tại phiên điều trần tại Madrid, chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật.
Theo kế hoạch, phiên tòa nhạy cảm này có thể bắt đầu vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2019, hơn một năm sau thời điểm tháng 10/2017, khi các thủ lĩnh Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Nhật tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó Nga, Trung
Chính phủ Nhật Bản ngày 18/12 thông qua kế hoạch quốc phòng mới, khẳng định nước này sẽ tăng cường mua sắm tiêm kích tàng hình, tên lửa phòng không tầm xa và nhiều khí tài hiện đại trong 5 năm tới để hỗ trợ đồng minh Mỹ đối phó với các thách thức ở Tây Thái Bình Dương. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tham vọng trở thành cường quốc khu vực của Tokyo, trong bối cảnh Moskva và Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng tiết lộ Nhật sẽ mua thêm 45 tiêm kích tàng hình F-35 với trị giá 4 tỷ USD, bên cạnh 42 chiếc đã đặt hàng. 18 chiếc trong số này sẽ là phiên bản F-35B với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), cho phép chúng vận hành trên tàu sân bay và các đảo ở biển Hoa Đông.
Cảnh sát Đức đột kích nhà thờ Hồi giáo vì nghi ngờ tài trợ khủng bố
Sáng ngày 18/12, lực lượng cảnh sát Đức đã tiến hành đột kích một nhà thờ Hồi giáo ở phía bắc của thủ đô Berlin, sau khi nghi ngờ người thuyết giáo ở nhà thờ này chuyển tiền cho một chiến binh Hồi giáo ở Syria với mục đích thực hiện các “hành vi khủng bố”.
Theo Văn phòng Công tố viên Đức, lực lượng cảnh sát đã tiến hành khám xét nhà thờ Hồi giáo As-Sahaba ở quận Wedding, phía bắc của thủ đô Berlin, nơi ông Ahmad Abul, 45 tuổi, đang giảng đạo, với cáo buộc người này đã chuyển tiền cho một chiến binh Hồi giáo thực hiện các hoạt động khủng bố. Đến nay, vẫn chưa có bình luận nào từ phía luật sư đại diện cho ông Ahmad Abul, cũng như những người có liên quan.
Pháp tuyên bố đánh thuế nặng Google, Facebook, Amazon...
Ngày 17/12, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Le Maire xác nhận kế hoạch áp dụng việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn của Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon (còn gọi tắt là nhóm GAFA) của Pháp sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2019. Ông Le Maire kỳ vọng chính sách đánh thuế mới sẽ tăng thêm 500 triệu euro (570 triệu USD) cho ngân sách Pháp năm 2019.
Ủy ban châu Âu ước tính trong khi các doanh nghiệp truyền thống phải đóng thuế với tỉ lệ 23% lợi nhuận thì các công ty Internet chỉ đang nộp 8 hoặc 9%, một số thậm chí còn không chịu nộp thuế.