Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương siêu bão MangKhut có tốc độ di chuyển nhanh, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3 - 4. Riêng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão làm mưa to, gây ngập lụt vào ngày 16 và 17/9.  

bna_hopbaoanhhongdien7244607_1592018.jpgUBND huyện Quỳnh Lưu họp bàn phương án phòng chống bão. Ảnh Hồng Diện
 Do vậy, tại cuộc họp khẩn lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu yêu cầu các tiểu ban phụ trách vùng phối hợp với các địa phương ven biển bằng mọi cách huy động 100% phương tiện đang khai thác hải sản ngoài khơi vào khu tránh trú bão an toàn. Đồng thời, quan tâm hệ thống ngập lụt theo phương án phòng chống thiên tai; di dời 2.500 hộ với hơn 11 nghìn nhân khẩu thuộc các xã ven đê biển và 210 hộ với 2.250 nhân khẩu thuộc 3 xã của lưu vực Vực Mấu có nguy cơ bị ngập lụt. Đôn đốc bà con thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mức độ nguy hiểm do ảnh hưởng của cơn bão để bà con chủ động chằng chống nhà cửa, cưa chặt bớt cây cổ thụ không an toàn.  

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến các xã bị ngập lụt đường giao thông, các tuyến kênh mương để phối hợp với ngành công an chốt chặn các điểm bị ngập đảm bảo an toàn phương tiện, tính mạng của người dân. Đồng thời, đề nghị soát xét, kiểm tra việc thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp khẩn, đoàn công tác đầu tiên của huyện đi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt các xã có hồ đập ách yếu, hồ đập đang thi công và tình hình sản xuất thuộc phía Tây của huyện. 

Đoàn kiểm tra mức độ an toàn của đập Khe Gang, xã Ngọc Sơn. Ảnh Hồng Diện

Đoàn đã đến kiểm tra đập Khe Gang xã Ngọc Sơn. Con đập này có trữ lượng 1,4 triệu m3 nước, hiện tại mực nước đang chảy cao hơn với mặt tràn là 10 cm. Về thân đập cơ bản đảm bảo yêu cầu, tràn rộng nên khả năng tiêu nước nhanh. Địa phương đã có phương án dự phòng đó là khi mưa to, gió lớn thì đưa bạt phủ thân đê nhằm chống sạt lở. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho 20 hộ dân, gần 100 nhân khẩu ở vùng hạ lưu phía cuối dòng chảy của đập Khe Gang và các con đập khác dồn về xóm 9, 10 thì xã cũng đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện để sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn.

Tiếp đến đoàn đã đến kiểm tra tại xã Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng. Riêng xã Quỳnh Châu hiện có 385 ha lúa, do vậy, đoàn yêu cầu xã chỉ đạo bà con tranh thủ thời tiết đang tạnh ráo ra đồng thu hoạch lúa với phương châm xanh nhà hơn già đồng, tránh thiệt hại lớn về kinh tế.

Quỳnh Châu có13 hồ đập và có 7 hộ ở gần đập xung yếu Đồng Nen thì cần có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Còn đối với đập Tây Nguyên (xã Quỳnh Thắng), hiện tại mực nước trong đập đang ở mức an toàn. Tuy nhiên, trong những ngày tới dự báo có mưa lớn và khi mực nước chảy cao hơn so với mặt tràn từ 40 - 60 phân thì đập vẫn bị rò một điểm ở phần giữa đê với đường kính 10 cm.

Đoàn kiểm tra tại đập Tây Nguyên, xã Quỳnh Thắng. Ảnh Hồng Diện
Trước tình hình đó, đoàn công tác yêu cầu UBND xã Quỳnh Thắng cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên, nhất là trong thời điểm diễn ra mưa bão nếu xảy ra sự cố báo cáo kịp thời lên cấp trên, để có biện pháp ứng cứu kịp thời, bảo vệ an toàn cho hơn 2.000 nhân khẩu của xã sống phía dưới chân đập. Cùng với đó, cảnh báo cho nhân dân sống ở vùng trũng nắm bắt thông tin nâng cao tinh thần cảnh giác để chủ động ứng phó.

Còn tại xã Tân Thắng, đoàn chỉ đạo xã vận động bà con những diện tích lúa hè thu, mùa chín trên 70% thì tranh thủ tiến hành thu hoạch nhanh gọn, tránh tình trạng thất thoát lớn về sản lượng do mưa bão./.