Từ việc hội nhập văn hóa, sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, thương mại hóa lễ hội cho đến cách tổ chức… khiến lễ hội ngày càng biến tướng.

Trong những ngày gần đây, dư luận đã liên tục tranh cãi về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh "hỗn chiến" cướp lộc tại Hội Gióng (Hà Nội), hay chen nhau cướp "chiếu thiêng" đến xước xát mặt mũi ở lễ hội "đúc Bụt" (Vĩnh Phúc) khiến hình ảnh về lễ hội đầu xuân đang bị nhìn nhận một cách sai lệch

Cần phê phán hành vi phản cảm ở lễ hội

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa thế giới, tất cả các lễ hội từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á đều xuất phát từ nông nghiệp. Người dân cổ đại sống phụ thuộc vào thời tiết, mưa thuận gió hòa thì cây trái mới được mùa, đời sống mới ấm no. Từ đó, nảy sinh tư tưởng phồn thực, cầu mong mùa màng tươi tốt. Tục chém lợn vào dịp đầu xuân tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng được kế thừa từ những tư tưởng như vậy của cha ông.

chem1_iwkn.jpgNgười dân làng Ném Thượng (Bắc Ninh) thực hiện nghi lễ truyền thống chém lợn giữa sân đình (Ảnh: Lê Hiếu/Tri thức)
 
Theo GS-TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, tất cả các lễ hội ngày nay đều xuất phát từ truyền thống dân tộc và những gì cha ông đã để lại cho chúng ta. Bản thân các lễ hội đều mang chiều hướng tốt dù hình thức thể hiện có thể không phù hợp với quan niệm hiện đại.

Tuy nhiên, với những hành vi xô xát nhằm lấy được lộc tại Hội Gióng hay lễ hội cướp Phết cầu may thì cần phải lên án. Đây là một hành vi sai so với phong tục của lễ hội và có ảnh hưởng xấu theo hướng lan truyền.

GS-TS Kiều Thu Hoạch cho rằng, nguyên nhân của hành vi trên một phần là do tư tưởng thời hiện đại, nền kinh tế thị trường tạo ra nhiều cạnh tranh, len lỏi vào những tư tưởng không lành mạnh của nông thôn: “Từ một người kích động là cả đám đông sẽ kích động. Cướp lộc là điều để lấy may nhưng nó không biến tướng và kinh khủng như hiện nay. Chúng ta cần phải kịch liệt phê phán hành vi và thái độ này. Các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các phương tiện truyền thông cũng nên góp phần trong việc định hướng lại tư tưởng cũng như tìm ra biện pháp quản lý tốt lễ hội”.

"Hỗn chiến" cướp hoa tre ở Hội Gióng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Lễ hội bị biến tướng là điều khó tránh khỏi

Nhiều lễ hội đang bị biến tướng là điều có thể dễ dàng nhận ra, song để thay đổi và điều chỉnh lại cho phù hợp giữa quan niệm hiện đại và tính cổ truyền là điều không hề dễ dàng. GS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thậm chí còn cho rằng, tiêu cực trong lễ hội là điều không thể tránh khỏi.

Do sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, các di tích càng ngày càng bị thu hẹp lại, tính thiêng liêng của di tích cũng bị mai một. Từ đó dẫn đến không gian của lễ hội bị thu nhỏ lại, làm cho một số hoạt động và ý nghĩa của lễ hội cũng bị giảm đi. Dần dần, sự hiểu biết của người dân về lễ hội không còn được trọn vẹn và dễ dàng bị những yếu tố bên ngoài tác động. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập văn hóa mạnh mẽ như hiện nay.

Nền kinh tế thị trường cũng là một yếu tố tác động sâu sắc đến lễ hội. Nhờ kinh tế thị trường mà không ít lễ hội, di tích, trò chơi, phong tục, nghi lễ… của lễ hội truyền thống được khôi phục. Có như thế thì mới hấp dẫn du khách đến tham quan, tăng doanh thu, đẩy chi phí phục vụ tăng thêm. Song, bên cạnh đó, những yếu tố tiêu cực của việc thương mại hóa, khi đồng tiền được đẩy cao hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa cũng xuất hiện mạnh mẽ và phức tạp như những hủ tục cũ, những mê tín dị đoan…

GS-TS Lê Hồng Lý cho rằng: “Nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh vào lễ hội truyền thống và làm cho lễ hội có nhiều biến đổi. Một mặt nó phù hợp với đời sống mới, song mặt khác lại làm mất đi một số nét truyền thống mà có thể nhiều người trong chúng ta tiếc nuối, tuy nhiên đó là việc không thể tránh khỏi. Làm văn hóa để kiếm ra tiền mà vẫn giữ lại được những giá trị văn hóa là một vấn đề không dễ, còn biến văn hóa chỉ là cái cớ để kiếm tiền lại là một vấn đề cần hết sức tránh, vì như vậy lại là phản văn hóa”.

Việc tổ chức lễ hội cũng như vai trò quản lý của các cấp chính quyền cũng là điều đáng để nhắc đến. Theo GS-TS Lê Hồng Lý, muốn khai thác chất liệu của lễ hội dân gian, vừa mang bản sắc dân tộc mà không đối lập giữa truyền thống và hiện đại cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa những người làm công tác tổ chức, các nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật. Việc phân biệt cho rành rẽ đâu là tín ngưỡng, đâu là mê tín, mức độ khôi phục các nghi thức cũ đến đâu, thời gian, không gian, tế lễ, vấn đề công đức... đều phải được chú ý.

Công tác quản lý tại các địa phương cần chặt chẽ và đồng bộ để vừa không ảnh hưởng đến không gian của di tích, lại không đánh mất đi nét đẹp vốn có của lễ hội.

Để lễ hội đầu xuân không còn những hình ảnh xấu, cần sự góp sức không chỉ của tất cả các cấp chính quyền mà còn phải xuất phát từ nhận thức của người dân. Bởi, lễ hội truyền thống không chỉ mang những yếu tố tâm linh mà còn là yếu tố quan trọng làm cho bộ mặt văn hóa của nước ta sinh động và phong phú hơn./.

Theo VOV