(Baonghean.vn) - Sáng 8/9 (tức ngày 26/7 năm Ất Mùi), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An tổ chức Lễ giỗ lần thứ 73 của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại di tích Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Tham dự buổi lễ có đồng chí: Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hồ Mậu Thanh - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh - Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên; Trường THPT Lê Hồng Phong, UBND xã Hưng Thông cùng đông đảo nhân dân.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ và ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Đây cũng là dịp nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) - vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.
Năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường hoạt động cách mạng. Tại Quảng Châu, tháng 4/1924, Lê Hồng Phong gia nhập Tâm Tâm Xã. Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đầu năm 1932, đồng chí về Quảng Tây gần biên giới Việt - Trung và chắp nối liên lạc với các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Chi… tìm cách xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng; Tháng 3/1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được chính thức thành lập tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Bí thư. Tháng 8/1935, tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An) được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát.
Tháng 1/1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội đồng chí “chịu trách nhiệm tinh thần” của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo và chỉ thị cho bọn chúa đảo phải tìm mọi cách hãm hại. Những trận đòn thù tàn ác, dã man làm Lê Hồng Phong kiệt sức dần và đồng chí đã mãi mãi ra đi vào trưa ngày 6/9/1942.
Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, sống vì Đảng vì dân, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Mạnh Hà
(Sở VHTT và DL)