(Baonghean.vn) - Là vận động viên Điền kinh tham dự Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 8 (ASEAN Para Games 8/ 2015) tại Singapore trong những ngày đầu tháng 12 vừa qua, Lê Văn Mạnh, người con quê hương Hoàng Mai (Nghệ An) vinh dự mang về cho nước nhà 2 tấm huy chương Vàng, góp phần đưa thành tích chung của đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ 4. Đây cũng là động lực cho Manh xây thêm niềm tin, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Tỏa sáng trên đường đua
Lê Văn Mạnh là vận động viên khuyết tật hạng F37. Tại đấu trường Asean Para Games vừa qua, anh nỗ lực giành 2 huy chương vàng ở cự ly 100m và 400m. Mạnh cho biết, trước khi tham gia thi đấu, anh có 3 tháng tập trung đội tuyển, còn phần lớn thời gian luyện tập, sinh hoạt tại CLB thể thao người khuyết tật Hà Nội, nơi Mạnh về đầu quân được 4 năm nay. Đây cũng là nơi chắp cánh cho Mạnh đến với bộ môn Điền kinh và những giải thi đấu trong và ngoài nước. Mạnh tâm sự, đây là giải đấu thứ 5 trong suốt 4 năm qua. Tính đến nay Mạnh giành được 14 huy chương Vàng, trong đó, mới đây nhất là 2 HCV tại Asean Para Games 8 năm 2015.
Trở về nước sau 10 ngày thi đấu ở Singapore, Mạnh có 2 ngày về thăm gia đình ở xóm 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai sau khi tập trung đội tuyển.
Ấn tượng ban đầu của chúng tồi về Mạnh là một chàng trai nhỏ nhắn, khôi ngô, hiền lành, có phần hơi rụt rè. Nhưng ẩn chứa bên trong là một nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống, đạt được những thành tích đáng nể như hôm nay.
Chia sẻ về cơ duyên đưa em đến với bộ môn Điền kinh, Mạnh cho biết: Sau khi gia nhập vào CLB thể thao người khuyết tật Hà Nội, anh tích cực tham gia các môn thể thao, nhất là môn bóng đá. Sau một thời gian luyện tập, ban huấn luyện phát hiện anh có năng khiếu với môn chạy nên hướng anh vào bộ môn Điền kinh và luyện tập từ đó.
Chế độ luyện tập của các vận động viên thể thao vất vả, có phần khắc nghiệt, đối với vận động viên thường đã khó khăn, huống chi đối với những người có dị tật như Mạnh. Nhưng niềm đam mê đã thôi thúc anh cố gắng, chăm chỉ luyện tập.
Mỗi giải đấu đi qua đều để lại trong anh nhiều cảm xúc sâu đậm. Nhưng xúc động và khó tả nhất là tại giải đấu vừa rồi, sau khi giành được chiếc huy chương Vàng ở cự ly 400 m, đứng trên bục vinh quang, được che chở, bao bọc bởi lá cờ Tổ quốc, nghe tiếng quốc ca Việt Nam vang lên, anh đã bật khóc, những giọt nước mắt của niềm tự hào và hãnh diện.
Mạnh còn chia sẻ thêm, có dịp đứng giữa những người bạn, nói đủ thứ tiếng, giữa nhiều màu cờ, mới thấy màu cờ quê hương, tiếng nói mẹ đẻ thân thương đến nhường nào, càng như thế, anh càng tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Mong ước có việc làm ổn định
Lê Văn Mạnh sinh năm 1990 tại xóm 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai. Mẹ của Mạnh cho biết, anh là con đầu lòng, khi sinh ra mạnh khỏe, bụ bẫm. Đến tháng thứ 5, sau 1 lần đi tiêm vác xin bại liệt về thì bị sốt và tay phải không còn cử động nữa. Thấy thế vợ chồng chị vội bế con đi trạm xá thì được chuẩn đoán bị tiêm vào gân nên có khả năng tay bị liệt. Vợ chồng chị lại khăn gói đưa con ra Hà Nội chữa chạy, tìm đến cả bác sỹ Nguyễn Tài Thu, sau hội chẩn, bác sỹ kết luận do cháu Mạnh bị tiêm thuốc quá liều nên dẫn đến tê liệt.
Tay phải của Mạnh cứ teo dần, yếu ớt, chỉ cử động nhúc nhắc, không giơ cao, không cầm nắm được vật nặng. Bước vào tuổi đi học, Mạnh được mẹ rèn luyện viết, đi xe đạp, và phụ giúp mẹ rất nhiều việc nhà… đều bằng tay trái. Sau khi tốt nghiệp THPT Mạnh theo học tin học tại Trung tâm đào tạo và dạy nghề người khuyết tật Nghệ An một năm, rồi ra Hà Nội học tiếp lên Trung cấp Công nghệ thông tin. Năm 2012, cái duyên lại đưa em đến với bộ môn Điền kinh, gặp được những người bạn, người thầy và có được những thành tích như ngày hôm nay.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Mạnh bộc bạch: “Trước mắt tôi vẫn nỗ lực trong luyện tập và dành cơ hội ở các giải thi đấu. Về lâu dài, mình mong có việc làm ổn định liên quan đến công nghệ thông tin, những kiến thức mình đã học được, và nếu có điều kiện, có thể giúp cho những người kém may mắn hơn mình có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, vì môn học này giúp cho mỗi người có thể kết nối được với cả thế giới, nhất là với những người khuyết tật, để ai cũng hòa nhập được với cuộc sống này, cảm thấy cuộc sống thật sự tươi đẹp hơn”.
Nguyễn Vân
Đài Hoàng Mai