(Baonghean.vn) - Sáng 26/3, tại TP Vinh, Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ông Phạm Văn Tấn – Tỉnh ủy viên, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự có các vị đại biểu QH, đại diện Thường trực HĐND tỉnh và đại diện các sở ngành, hội, đoàn thể liên quan.

Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) được Quốc hội ban hành lần đầu tiên vào năm 1999. Qua gần 15 năm thực hiện, có những vấn đề mới liên quan đến công tác mặt trận phát sinh, ra đời nên Luật cần được sửa đổi. Dự thảo Luật MTTQ (sửa đổi) đã qua nhiều lần lấy ý kiến, dự thảo lần này bao gồm 8 chương, 41 điều. Ngoài phần các quy định chung về vị trí, vai trò, bộ máy tổ chức của MTTQ, đáng chú ý có phần bổ sung chi tiết quy định về giám sát và phản biện xã hội – một chức năng mới được đưa thành chương riêng bổ sung vào Luật MTTQ (sửa đổi).

images1145719_dsc_0013.jpgĐại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến góp ý
Đại diện Trường Chính trị tỉnh Nghệ An phát biểu
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An phát biểu

Góp ý dự thảo Luật, các đại biểu, nhất là đại diện cho MTTQ tỉnh cho rằng qua các lần lấy ý kiến nhưng dự thảo Luật MTTQ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đối với công tác MTTQ trong giai đoạn mới, chưa bao quát, chưa thể chế hóa hết yêu cầu Quyết định số 217 của Bộ Chính trị và Hiến pháp, chưa làm rõ được chức năng của mặt trận là một thiết chế độc lập, đại diện cho nhân dân để giám sát các cơ quan, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị; giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa MTTQ với tổ chức Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội nhưng là thành viên MTTQ; giám sát cần thực chất chứ không phải hình thức, chồng chéo; quy định về vị trí của Thanh tra nhân dân trong Luật MTTQ với Luật Thanh tra có gì khác.

Bên cạnh nội dung, về thuật ngữ, nhiều khái niệm, điều luật còn chung chung, rất khó hiểu; bố cục thiết kế chưa thực sự hợp lý vì có chương chỉ 1- 2 điều luật. Ngoài ý kiến đánh giá, các đại biểu còn trực tiếp góp ý xây dựng vào từng chương, điều Luật cụ thể theo hướng các kiến nghị, phản biện của MTTQ - đại diện cho nhân dân chuyển tới cơ quan liên quan được giải quyết kịp thời, khách quan và đầy đủ; phải làm rõ nội dung phản biện của MTTQ khác với giám sát, thẩm tra của các cơ quan nhà nước khác, tránh trùng lặp vì hiện tại thẩm quyền giám sát, đại diện cho nhân dân được quy định cho rất nhiều cơ quan, đơn vị...

Đồng chí Phạm Văn Tấn - Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu, ông Phạm Văn Tấn – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chia sẻ, giải thích thêm một số quy định mới của Hiến pháp về vị trí, vai trò của cơ quan MTTQ, lưu ý thêm Quyết định số 217 của Bộ Chính trị khóa XI về cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ. Trên tinh thần trao đổi, thảo luận cởi mở, Đoàn đại biểu QH tỉnh chân thành tiếp thu các ý kiến hợp lý, xác đáng của đại biểu; tiếp tục tổng hợp, chỉnh sửa để dự thảo góp ý Luật MTTQ tập trung, kết tinh được trí tuệ của cơ quan MTTQ và các đoàn thể thành viên tạo điều kiện để Luật đi vào cuộc sống sau khi có hiệu lực./.

Tin, ảnh: Nguyễn Hải