Chúng tôi bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992", do Quốc hội ban hành, để lấy ý kiến toàn dân.

Xin được góp mấy ý sau:

Điều 2 (Sửa đổi, bổ sung Điều 2): Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ý kiến rằng: Trong thực tế, việc "phối hợp" giữa các cơ quan quản lý nhà nước của ta, đây đó còn có sự chồng chéo. Một sự việc có lúc 1, 2, 3 cơ quan cùng giải quyết. Bản thân sự “phối hợp” này đã thiếu chặt chẽ, vì không có cơ quan nào nhận làm “phối hợp trưởng”. (Ví như: “Vệ sinh an toàn thực phẩm” hiện nay, thấy Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường... đều phối hợp làm, nhưng giờ quy trách nhiệm cho bộ nào thì không dễ).

Do vậy, khi xảy ra hậu quả thì không ai chịu trách nhiệm. Chỉ nên viết: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Điều 9 (Sửa đổi, bổ sung Điều 9)

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Không nên dùng chữ “tiêu biểu”, vì mặt trận là nơi tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ “cá nhân tiêu biểu” mới được đứng trong tổ chức Mặt trận.

Điều 54 (Sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25).

Mục 2: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo luật pháp.

Có 2 vấn đề cần bàn thêm:

* Soạn thảo dùng từ “quan trọng”, dễ suy rằng: Có thành phần kinh tế nào không quan trọng?

* “Cùng phát triển lâu dài”…, vậy đến lúc, một thành phần kinh tế nào đó lạc hậu so với quan hệ sản xuất, dĩ nhiên nó tự triệt tiêu. Không nên dùng chữ “lâu dài”.

Chỉ nên viết: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Điều 86 (Sửa đối, bổ sung Điều 99): “Không có sự đồng ý của Quốc hội và thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của UBTV Quốc hội, thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội…”. Người dân thấy rằng, đại biểu Quốc hội cũng là công dân Việt Nam, đều phải bình đẳng trước pháp luật “Không có vùng cấm cho bất cứ ai, nếu phạm pháp”.


Ngô Trí Sỹ (Xóm 13, Nghi Mỹ, Nghi Lộc)