(Baonghean.vn) - Thực hiện chương trình xây dựng luật năm 2013 của Quốc hội, sáng nay (25/4), Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật hòa giải ở cơ sở. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị, cộng tác viên xây dựng pháp luật.

Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở gồm 5 chương, 29 điều. Phạm vi của Luật hòa giải cơ sở là những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở như: mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau; tranh chấp về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên ở cơ sở phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; những vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính…

Toàn cảnh hội nghị

Đại biểu Công an tỉnh đóng góp ý kiến.

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định: việc ban hành Luật hòa giải ở cơ sở là cần thiết; Luật được thực hiện sẽ giảm bớt vụ việc khiếu kiện, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật; góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và giữ gìn trật tự xã hội; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng họ và cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các đại biểu đã tập trung thảo luận và góp ý các vấn đề: các quy định của hòa giải viên; tiêu chuẩn về hòa giải viên, tổ hòa giải cần phải quy định rõ ràng hơn, mang tính quần chúng cao hơn. Trong Luật không nên quy định thời gian hòa giải, vì có nhiều vụ việc đơn giản thì hòa giải nhanh, trong khi lại có nhiều vụ phức tạp phải mất vài năm mới giải quyết xong; cần quy định phải có biên bản hòa giải; vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp; chính sách hòa giải ở cơ sở...

Về các vấn đề khác cơ bản  các đại biểu  nhất trí cao với dự thảo đưa ra.  Kết luận  hội nghị, ông Phạm Văn Hà- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự án Luật, đồng thời hứa sẽ tổng hợp các ý kiến và trình bày tại kỳ họp Quốc hội tới.

Đức Chuyên