(Baonghean) - Sơn Thành (Yên Thành) là xã đầu tiên về đích trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hóa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Thành về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của địa phương này.
- Là một xã thuộc vùng bán sơn địa, trước đây xã Sơn Thành nghèo “có tiếng” với “kinh nghiệm nhịn đói và ăn dè qua ngày”. Vậy mà bây giờ tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đạt từ 15 - 16,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,7 triệu đồng/người/năm. Đồng chí có thể cho biết “bí quyết” để Sơn Thành sớm thoát nghèo và trở thành xã đầu tiên của tỉnh về đích trong xây dựng nông thôn mới?
Là những người lãnh đạo trực tiếp ở địa phương, chúng tôi rất trăn trở để tìm hướng thoát nghèo. Năm 2000, Sơn Thành bắt đầu thực hiện chiến dịch “đưa điện, nước về xã và xuất khẩu lao động”. Có điện, nước, Sơn Thành đã đưa nước về đồng để thâm canh tăng vụ nên người dân Sơn Thành thoát đói. Để thoát nghèo và thúc đẩy kinh tế của xã phát triển nhanh, người dân Sơn Thành phải nhờ đến xuất khẩu lao động…
Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, thì chúng tôi lại đề ra giải pháp thực hiện: “Đi lên từ đường vươn ra từ đồng, nói “không” với kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng; chọn giao thông là khâu đột phá, dồn điền, đổi thửa là trọng tâm" và phương châm: “Giao thông đi trước dẫn đường một bước. Đường vô thì tiền ra, đường thông thì gì cũng thông". Đây được xem là “trận đánh mở màn” trong việc huy động nhân dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Từ phong trào này đã dấy lên khí thế tham gia xây dựng nông thôn mới sôi nổi rộng khắp từ xã, xóm, tổ liên gia, các dòng họ và hộ gia đình. Và như đã biết, đến cuối năm 2013 thì Sơn Thành đạt 19/19 tiêu chí, là xã đầu tiên về đích xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Bài học quan trọng nhất là cấp ủy đảng chọn bước đi đúng đắn, thích hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Đây là bài học có tính quyết định. Sở dĩ Sơn Thành đạt được việc thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là đã bám sát thực tiễn, đưa ra các chủ trương, giải pháp sát và hợp với lòng dân. Thứ hai, là biết cách tuyên truyền, làm nhuần nhuyễn về công tác tư tưởng. Từ khi có Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, Sơn Thành đã thể chế hóa bằng nhiều nghị quyết của Đảng, chính quyền và đặc biệt là sân khấu hóa và thi tìm hiểu về bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời gắn liền với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nội dung tuyên truyền sâu sắc, sát đến được với mọi người dân, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc và làm được. Khi triển khai thì phải biết chọn khâu đột phá có tính quyết định, giống như trận đánh mở màn của chiến dịch.
- Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Sơn Thành đã huy động được hơn 233 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp và hiến đất trị giá hơn 200 tỷ đồng. Theo đồng chí, yếu tố nào tạo nên sự thành công trong huy động sức dân, sự đồng thuận trong thực hiện phong trào?
Chúng tôi huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và khai thác các nguồn thu tại địa phương với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng. Mặt khác, muốn dân tin, thì cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu, phải chứng minh cho dân thấy được qua hành động, việc làm của chính mình, nhất là coi trọng lời hứa với dân, đã hứa là phải làm, làm đến nơi đến chốn. Dân có tin tưởng thì từ đó ủng hộ chủ trương, chính sách mà mình vận động, tạo sự đồng thuận. Một điều không kém phần quan trọng nữa là “nhân điển hình người tốt việc tốt, làm tốt công tác thi đua khen thưởng”; như trong phong trào hiến đất mở đường, chúng tôi vận động đảng viên làm trước, biểu dương, khen thưởng kịp thời những gia đình giáo dân, những hộ nghèo hăng hái tham gia phong trào.
- Căn cứ thực tiễn ở địa phương, theo đồng chí, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí nào khó đạt và đạt được thì khó duy trì nhất?
Việc xác định các tiêu chí khó hay dễ là tùy thuộc vào từng vùng, miền và từng địa phương, nhưng đối với xã Sơn Thành, chúng tôi xem tiêu chí môi trường là tiêu chí khó nhất. Việc bảo vệ môi trường là một việc làm phải đầy ý thức và trách nhiệm, không thể vô cảm mà phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên liên tục. Để bảo vệ môi trường và giữ môi trường trong sạch thì phải tiến hành hàng loạt biện pháp thống nhất, đồng bộ, ngay kể cả lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khai thác mỏ đất, rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, khu dân cư đều hướng tới môi trường và ngay từ mỗi một gia đình là tế bào của xã hội, là nơi làm sạch môi trường, cũng là nơi làm môi trường dơ bẩn nếu thiếu ý thức. Để giữ được tiêu chí về môi trường thì mỗi gia đình phải "Sạch từ bếp sạch ra, sạch từ nhà ra đến tận ngõ", mỗi cá nhân, từng tổ chức phải ý có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường.
- Và Sơn Thành đã có chiến lược gì để phát huy thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới?
Đạt nông thôn mới chỉ là kết quả bước đầu. Để chống nguy cơ tụt hậu và đáp ứng ngày một tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thì xã Sơn Thành không dừng lại ở đấy. Mục tiêu đặt ra cho Đại hội Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ là "Nâng cao chất lượng và tầm cao mới trong xây dựng nông thôn mới. Sơn Thành thực sự phải là đơn vị phát triển toàn diện của tỉnh nhà, là điểm sáng của khu vực, đưa thu nhập đầu người trong nhiệm kỳ tới từ 90 - 100 triệu đồng/người (đích năm 2020)”. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ mời các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chỉ khi các nhà khoa học vào cuộc thì mới tạo ra được các sự đột biến về năng suất, về chủng loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; mới tạo nên được chuỗi liên kết trong quá trình tái sản xuất mở rộng…
- Xin cảm ơn đồng chí, chúc xã nhà phấn đấu đạt được mục tiêu “đơn vị phát triển toàn diện của tỉnh nhà, là điểm sáng của khu vực”!
Đức Chuyên (Thực hiện)