Ngày 25/10, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 người do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều cùng ngày.
“Đừng bị chi phối”
Chia sẻ với báo chí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, khi chọn mức tín nhiệm với một người phải đối chiếu lại sự hoàn thành trách nhiệm đối với lĩnh vực được giao, phụ trách để xem biện pháp chỉ đạo quản lý có đạt yêu cầu không, đem lại chuyển biến gì, mặt nào cải thiện hơn.
Có việc tồn đọng hàng chục năm, nhưng từ lúc người đó phụ trách thì có gì đổi mới không. Đành rằng là anh kế thừa, nhưng nếu làm mấy năm sau mà không chuyển động gì cũng không đạt yêu cầu.
Ngoài trách nhiệm với ngành, lĩnh vực thì phải có tiêu chí mang yếu tố chính trị gia cần được đánh giá. Đó là mỗi chính sách, hành động, thậm chí lời phát biểu, nhận xét, đánh giá của anh phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân và chủ quyền quốc gia.
Cũng theo ông Nghĩa, một số sự việc cá biệt cần lưu ý, đánh giá công tâm. Đại biểu có trách nhiệm cao thì phải tự tìm hiểu để đánh giá toàn diện cả một quá trình, thấy những góc độ khác nhau, phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình.
“Đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu tín nhiệm xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân và của xã hội, đừng vì lợi ích nhóm. Ví dụ chính sách nào đó làm ảnh hưởng đến lợi ích của gia đình, cá nhân rồi anh thành kiến với ông đó nên gạch tên là không nên” - ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Ông Vũ Trọng Kim thì nhấn mạnh việc chắt lọc thông tin một cách kỹ càng sẽ giúp đại biểu đưa ra quyết định chuẩn xác. Đại biểu phải bỏ qua những định kiến để lấy quan điểm chung.
Việc đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm trước tiên phải căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà nước giao để đánh giá làm tốt hay không, có vi phạm gì. Bên cạnh đó là thực hiện vai trò phục vụ nhân dân thế nào “chứ không phải hò hét nhân dân”.
Một điểm cần chú ý nữa là phong cách lối sống và là tấm gương về mọi mặt, trong đó có việc kê khai tài sản thế nào, thu nhập có chính đáng hay lợi dụng chức vụ quyền hạn.
“Mỗi người có vị trí công việc khác nhau nên không thể cào bằng. Những người thường được số phiếu nhiều nhất là vị trí không động chạm. Có người mình thấy cách ứng xử, quản lý Nhà nước không được nên không đồng ý. Không phải chỉ nhìn vào điểm nóng mà phải có sự phân tích cặn kẽ” - ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh và cho biết ông đã có đánh giá của riêng mình với 48 chức danh.
Công tâm để không “chấm điểm” oan
Một trong những điểm mới lần này là người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo đầy đủ các nội dung kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Ngoài ra, báo cáo cần bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết phần lớn các báo cáo mà 48 vị gửi ĐBQH rất cụ thể những việc họ đã làm được và chưa làm được. Tuy nhiên ông cũng băn khoăn, có một số người chỉ nêu thành tích hoạt động của mình nhưng không nêu hạn chế và các giải pháp khắc phục.
“Trong 48 người được lấy phiếu lần này, tôi đã định hình được ai là người phiếu tín nhiệm cao nhất nhưng cũng có những người tôi phải suy nghĩ, xem xét và có thể chấm tín nhiệm thấp”, ông Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ông ghi nhận sự sát sao của các lãnh đạo, bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Một số vị chỉ đánh giá mặt đã làm, còn hạn chế, thiếu sót thì ít đề cập.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đánh giá cao một số vị đã mạnh dạn nhận những hạn chế yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình quản lý và đưa ra những lời hứa, lời cam kết khắc phục từ đây đến cuối nhiệm kỳ.
“Tôi sẽ chấm tín nhiệm cao đối với những vị có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch. Kế đến, tôi sẽ xem xét tinh thần, thái độ làm việc của các vị này từ đầu nhiệm kỳ đến nay như thế nào”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa cho rằng, việc xác định mức tín nhiệm phải tìm hiểu kỹ trong cả quá trình chứ không vì một số vụ việc nổi cộm mà đánh giá tín nhiệm thấp. Bản thân ông sẽ đánh giá một cách công tâm, trung thực, khách quan để không “chấm điểm” oan bất cứ ai.