Thời gian tới, quỹ khuyến tài nhằm động viên thanh niên có năng khiếu làm việc, học tập, rèn luyện để trở thành người lao động giỏi sẽ ra đời.


         815559_small_105436.jpg


Đây là một trong những nội dung chính của chương trình khuyến tài trong lĩnh vực dạy nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ký kết ngày 13-9 tại Hà Nội.


Quỹ sẽ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học nghề có thành tích học tập tốt, đạt kết quả xuất sắc trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế.


Tập trung vào đối tượng học sinh - sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề, chương trình phối hợp của hai cơ quan này hướng tới xây dựng các trường cao đẳng nghề chất lượng cao, khuyến khích sinh viên học tập, rèn luyện, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách về dạy nghề.


Theo đó, chương trình huy động sự tham gia của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp vào phát triển dạy nghề trình độ cao, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 là đến năm 2020, chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Chương trình tập trung vào một số nội dung chính. Đó là hướng tới động viên toàn xã hội hưởng ứng chủ trương phân luồng học sinh vào học nghề, đặc biệt là học sinh đã tốt nghiệp THPT, giúp các bạn trẻ thấm nhuần phương châm lập nghiệp theo tinh thần “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.


Ngoài ra, dự án hợp tác cũng kêu gọi các doanh nghiệp có cơ chế, chính sách trọng đãi trong tuyển dụng - sử dụng những sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề học tập xuất sắc. Khuyến khích các trường cao đẳng nghề, trường đại học có những ngành đào tạo phù hợp, phối hợp thực hiện có hiệu quả hoạt động đào tạo liên thông, tại chức giữa hai loại trường theo quy định của pháp luật cũng như nâng cao đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề.


Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đánh giá cao đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc hỗ trợ, xây dựng các chính sách trong lĩnh vực dạy nghề. Với lực lượng dồi dào, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn có nguy cơ tụt hậu do trình độ, năng suất, cơ cấu và sức cạnh tranh chưa cao. Sắp tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan liên quan thực hiện phân luồng trong đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng lao động trong nước, phấn đấu tới năm 2015, nước ta có thể xây dựng 26 trường nghề chất lượng cao và nâng số lượng này lên 40 vào năm 2020.


Theo NDĐT- ĐP