(Baonghean) - Nhiều năm nay, tại những khu vực như vườn hoa Tam giác, cầu Kênh Bắc, Vườn hoa Cửa Nam, Ngã 6…, người dân TP. Vinh đã quen với hình ảnh những lao động tự do đến từ các xã ngoại thành hay các huyện lân cận tập trung chờ việc…
Nhọc nhằn mưu sinh
Là địa điểm trung tâm của TP. Vinh, nơi có nhiều tuyến đường chính giao nhau, khu vực vườn hoa vòi phun (hay còn gọi vườn hoa Tam giác nằm trên địa bàn phường Quang Trung) từ hơn chục năm nay đã hình thành một “chợ cửu vạn”.
Mỗi ngày ở đây có từ vài chục, thậm chí có những thời điểm gần trăm người đến chờ việc, chủ yếu đến từ những phường, xã ven đô TP. Vinh và các vùng phụ cận như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc... Đa phần trong số họ là nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi kiếm việc làm thêm, nhưng cũng không ít người coi đây là công việc chính thức, nguồn thu nhập chính của gia đình.
Chị Phạm Thị Hiền đến từ phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) cho biết, hơn 10 năm sống bằng nghề, chỉ trừ những lúc ốm đau hay nhà có công việc đặc biệt mới phải nghỉ. “Làm nghề này tuy có vất vả nhưng thu nhập vẫn hơn làm ruộng, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được khoảng hơn 200.000 đồng. Với những người nông dân, lại là phụ nữ thì như vậy đã là ổn lắm rồi”.
Qua quan sát, dễ nhận thấy phần nhiều những lao động ở “chợ cửu vạn” này là nữ, bởi công việc chủ yếu là gánh vật liệu xây dựng, dọn dẹp đồ đạc, lau chùi nhà, dọn dẹp công trình xây dựng... phù hợp với sức khỏe, sự chịu khó của phụ nữ.
Còn với những người đàn ông, ngoài những công việc như bốc vác nặng, phụ hồ, quét vôi ve…, họ còn có thêm nghề “phụ” là xe ôm. Anh Lê Văn Hùng ở xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) cho biết: “Ngày càng có nhiều người chờ việc nên công việc cũng ít dần. Nên tôi đã cố gắng dành dụm mua chiếc xe máy để vừa đi lại nhanh hơn, lại vừa chạy xe ôm khi có khách”.
Ngoài vườn hoa vòi phun, trên địa bàn TP. Vinh còn có một số “chợ cửu vạn” khác - những điểm tập trung nhiều lao động tự do chờ việc, như cầu Kênh Bắc, Vườn hoa Cửa Nam, ngã 6, đường Trần Hưng Đạo, cầu Cửa Tiền… Phương tiện của họ chủ yếu là xe đạp, kèm theo là lỉnh kỉnh quang gánh, cuốc xẻng, dao, liềm…
Anh Trần Văn Hòa - một lao động chờ việc ở khu vực Vườn hoa Cửa Nam cho biết: “Công việc của chúng tôi bận rộn nhất thường vào đầu năm và cuối năm bởi đó là thời điểm nhiều gia đình xây, sửa nhà cửa; còn thời điểm này khá ít việc. Công việc phập phù nhưng giờ bỏ nghề thì không biết phải làm gì để tiếp tục mưu sinh, lại còn nuôi con cái ăn học nữa. Tôi cũng ngoài 40 tuổi rồi, xin đi làm công nhân thì không nơi nào nhận...”.
Cần tăng cường quản lý
Dạo qua các “chợ cửu vạn”, đều thấy việc ít mà người thì đông. Trong lúc chờ đợi, kẻ nằm, người ngồi, xe cộ, quang gánh đặt choán hết cả vỉa hè, lề đường, có người lại tranh thủ nhặt rau… Mỗi khi có người đến thuê thì mọi người lại ào ra tranh giành việc, ngã giá với người thuê gây mất trật tự và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Chưa kể, chờ lâu không có người đến thuê, một số lao động nam quây lại thành từng nhóm đánh bài ăn tiền, có khi mâu thuẫn cãi lộn nhau om sòm cả một góc phố… Buổi trưa, những tốp người này lại bày cơm nắm, cơm đùm ra ngồi ăn và vứt rác bừa bãi lên vỉa hè.
Qua trò chuyện, được biết công việc của họ cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Phổ biến là tình trạng giữa người thuê với người lao động chỉ có thỏa thuận miệng nên khi mâu thuẫn xảy ra, người lao động thường phải chấp nhận thiệt thòi.
Chị Nguyễn Thị Lam ở huyện Hưng Nguyên cho biết: “Có lần nhóm tôi nhận lời gánh vật liệu xây dựng một ngôi nhà 4 tầng với giá 20 triệu đồng trên đường Phạm Đình Toái. Ban đầu tôi rất mừng bởi với việc xây một ngôi nhà 4 tầng thì ít nhất cũng có công việc thường xuyên 5 - 6 tháng.
Ông Nguyễn Xuân Lam - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP. Vinh: “Hiện thành phố không thể thống kê hết lượng lao động tự do đang có mặt tại địa bàn. Ngay cả trong nhiều chế độ chính sách của Nhà nước dành cho người lao động cũng "bỏ quên” đối tượng này. |
Thế nhưng, khi chỉ còn vài ngày nữa hết phần xây thô thì chủ nhà và chủ thầu có khúc mắc, chủ nhà không trả tiền cho chủ thầu nên chúng tôi chỉ nhận được tiền ứng trước 5 triệu đồng, 15 triệu còn lại coi như mất”.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, có một số trường hợp bị tai nạn như trẹo chân, tay, chấn thương phần mềm, thậm chí là gãy xương... thì mọi chi phí điều trị hoàn toàn do người lao động tự lo liệu.
Trong quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, việc hình thành các “chợ cửu vạn” ở thành phố Vinh là điều tất yếu, bởi có cung ắt có cầu. Để các chợ lao động này không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, chính quyền các phường cần vào cuộc tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh sự lộn xộn, nhếch nhác ở các “chợ cửu vạn”.
Ông Hà Thái Sơn - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: “Từ khi hình thành “chợ cửu vạn” ở vườn hoa vòi phun đến nay, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho họ làm việc, bởi họ hầu hết là những người đã lớn tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải đến đây bán sức lao động.
Do đặc thù của công việc lao động tự do nên công tác quản lý không đơn giản. Hôm nay họ đứng chỗ này, mai lại đứng chỗ khác, thậm chí trong một ngày họ di chuyển tới vài địa điểm.Tuy vậy, đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận bất cứ vấn đề gì về an ninh trật tự từ “chợ” lao động đứng chân trên địa bàn phường này”.
Còn ở phường Cửa Nam, ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Trong những lần đội trật tự đô thị của phường ra quân dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, anh em cũng có nhắc nhở những lao động chờ việc ở vườn hoa Cửa Nam không đứng, ngồi tràn ra vỉa hè, không xả rác bừa bãi chứ chưa xử lý trường hợp nào vi phạm. Những đối tượng này là những người nghèo nên anh em cũng có phần “nương tay”."
Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2013 mới chỉ điều chỉnh số lao động ở khu vực chính thức, còn số lao động thuộc diện "lao động tự do” - chiếm số lượng lớn trong hệ thống thị trường lao động của nước ta hiện hầu như vẫn chưa được luật đề cập tới. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc và vị trí làm việc không ổn định càng khiến cho việc quản lý nhóm lao động này trở nên khó khăn hơn”. |
Minh Quân - Cảnh Nam