(Baonghean.vn) - Dù đã tuổi 60, nhưng đôi bàn tay của lão nông Nguyễn Công Cách ở xóm 1, xã Long Sơn Anh Sơn vẫn rắn chắc và khéo léo khi chạm trổ, thổi vào từng thân cây, gốc rễ những hình hài đầy nghệ thuật tạo cho mình nguồn thu nhập đáng kể.
Năm 2001, trong lần đến thăm một cơ sở chuyên sản xuất, buôn bán bàn nghế trên địa bàn, ông Nguyễn Công Cách biết được nhu cầu người tiêu dùng đang có xu hướng ưa thích các loại bàn ghế gỗ có khắc hình các con vật. Với kinh nghiệm nghề mộc đã có từ những năm trước, ông nảy sinh ý định làm đồ điêu khắc gỗ.
Từ những gốc rễ sắn có tìm thấy trong làng ông quyết tâm đục bộ bàn ghế có hình 12 con giáp. Mất nhiều tháng trời để tác phẩm đầu tay được hoàn thành. Thế nhưng khi xem ai cũng bảo bộ bàn ghế 12 con giáp của ông không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn hết sức có “thần”.
Sau tác phẩm đầu tiên, nhận thấy bản thân mình cũng có năng khiếu về điêu khắc, vậy là cái nghiệp “thổi hồn vào gốc rễ” cũng theo ông từ đó. Nhìn những gốc, rễ, thân cây với những hình thù kỳ lạ, đối với con mắt của người bình thường chẳng biết làm được những gì. Nhưng khi qua bàn tay khéo léo của "nghệ nhân xứ núi" Nguyễn Công Cách thì lại khác. ông Cách đã cho ra đời những tác phẩm độc đáo. Với ông Cách mỗi sản phẩm muốn đạt đến độ tinh xảo thì người thợ phải làm bằng tất cả tình yêu, tâm huyết với nghề, phải gửi gắm tâm tư, tình cảm, thổi hồn vào sản phẩm”.
Những tác phẩm điêu khắc của ông phong phú, đa dạng nhưng đề tài chỉ tập trung vào “thế giới động vật”. Từ các con vật nhỏ nhỏ như ếch nhái, chim, chuột… cho đến đại bàng, khỉ, sư tử, hổ, voi...tất cả đều gần gũi với thiên nhiên, con người và làng quê. Nguyên liệu được ông sử dụng chủ yếu làm từ thân, rễ khô của gỗ mít, dổi, đinh hương, săng lẻ. Hiện nay các tác phẩm của ông được bán với mức giá thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 25 triệu đồng. Từ công việc này mỗi năm ông Cách cũng thu về 80 - 100 triệu đồng từ những tác phẩm của mình.
Huyền Trang – Thái Hiền