(Baonghean.vn) - Từ những vật dụng đã bỏ đi tại các bãi phế liệu, gần 20 năm qua, lão nông Hồ Văn Thân ở khối 7, xã Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) đã sáng chế thành công hơn 200 con rối với đầy đủ chủng loại. Đặc biệt hơn, chúng là những con rối điện được ông "lập trình" sẵn theo các hoạt cảnh, chỉ cần "bật công tắc" là hàng trăm con rối đảm nhận những vai diễn khác nhau sẽ hoạt động.
Nhiều năm qua, người dân khối 7, phường Quỳnh Xuân thường tìm đến nhà ông Hồ Văn Thân mỗi lúc nông nhàn để xem những tiết mục múa rối điện đặc sắc. Không qua một trường lớp đào tạo nào, tất cả những con rối đều do ông tự mày mò, sáng chế. Để có được những con rối điện hoạt động trên dàn rối, ông Thân phải mất hàng tháng trời dày công nghiên cứu kỹ từng nhân vật để "lập trình" sẵn những động tác mà chúng phải đảm nhận. Tiếp đến, ông tìm mua các nguyên vật liệu bằng vải, sơn, gỗ, nhôm... rồi các chi tiết cơ khí như trục chuyển động bánh răng... về chế tác thành các con rối tự động. Mỗi con rối là một sản phẩm kỳ công, được tạo hình một cách tỉ mỉ. Qua đôi tay khéo léo của ông, những thứ đã từng là phế thải bỗng chốc hóa mình thành những nhân vật cá tính. Khó khăn nhất là công đoạn từ những con rối đơn lẻ, ghép lại thành từng hoạt cảnh, phải làm sao cho động tác của các con rối ăn khớp với nhau và sống động. Tất cả các nhân vật trên dàn rối đều sử dụng một mô tơ chính nhưng mỗi nhân vật lại phải có một mô tơ phụ để sử dụng riêng. Tận dụng các mô tơ quạt điện bị hỏng, các loại bánh răng tự chế để tạo nên “động cơ” hoạt động cho cả dàn rối và từng con rối điện. Trong ảnh, ông Thân cùng con trai đang điều chỉnh các mô tơ và bánh răng trong một hoạt cảnh chèo thuyền qua sông. Ông Thân còn gắn các đoạn băng nhạc nhỏ tự động phát khi rối hoạt động. Trong những vở diễn phức tạp hơn đòi hỏi dung lượng lớn về âm thanh thì ông tiến hành phát nhạc qua hệ thống loa đài đã được cài sẵn. Hệ thống chiếu sáng, đèn nháy... cũng được lắp đặt để tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn cho các vở diễn. Ngoài việc tạo hình dáng vẻ, điệu bộ của mỗi chú rối. Ông còn phải nghiên cứu để làm ra những nhạc cụ hoặc phụ kiện đi kèm. Ông cho biết, ông bỏ công sáng chế dàn rối điện với mong muốn các con cháu của mình có thêm một không gian giải trí, sáng tạo và để hiểu hơn loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này. Thanh Quỳnh