Sáng 15-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến hai dự án luật được coi là sẽ có tác động sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân: Dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ Luật Lao động và dự thảo Luật Giá.Không nới trần số giờ làm thêm Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đưa ra nhiều đề nghị sửa đổi, bổ sung quan trọng đối với dự thảo Bộ luật Lao động. Về thời gian làm thêm, đề nghị giữ nguyên như quy định của Bộ luật hiện hành mà không “nới trần” như dự thảo đã trình Quốc hội. Như vậy, doanh nghiệp có thể tổ chức làm thêm giờ không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm.   Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thống nhất quy định theo hướng linh hoạt hơn bằng việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ tối đa trong khoảng thời gian từ 4 tháng đến 6 tháng mà vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản.

Lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng ảnh 1

Lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Đáng lưu ý, để phù hợp với tình hình hiện tại, mức lương làm thêm giờ ban đêm đối với ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần và ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đều được điều chỉnh tăng thêm 20% hiện hành; tương ứng bằng 200%; 250% và 350% so với lương làm việc bình thường. Mức lương tối thiểu tính theo giờ sẽ được quy định cụ thể để đáp ứng yêu cầu linh hoạt của thị trường lao động, trên cơ sở mức lương tối thiểu tháng bao gồm đầy đủ các chi phí mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm việc theo tháng (kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, tiền lương nghỉ phép, tiền lương nghỉ lễ…). Nguyên tắc này sẽ được chi tiết hóa trong một luật riêng về lương tối thiểu. Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng nên giữ như hiện tại (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); song cần bổ sung quy định nguyên tác, tiêu chí đối với các nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; người lao động làm công tác quản lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao với báo cáo của cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật. Còn băn khoăn về bình ổn giá Điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong 7 nhóm vấn đề quan trọng có ý kiến tranh luận, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) đã thống nhất được về 5 nhóm vấn đề. Hai nhóm vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là về bình ổn giá và danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.  Phát biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh yêu cầu rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các cam kết quốc tế để đảm bảo tính thị trường của nền kinh tế. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá cũng cần phải cân nhắc rất kỹ để không làm mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp.  Giải đáp những băn khoăn của vị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật Giá nhận được sự quan tâm sát sao của đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như  Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại châu Âu… Nhưng qua làm việc với Bộ Tài chính, họ không phản ứng gì về việc bình ổn giá hay định giá, mà chỉ nhấn mạnh tính minh bạch của luật.  “Kinh tế thị trường không có nghĩa là loại trừ sự quản lý của nhà nước. Mặt khác, trong trường hợp vì thực hiện quản lý nhà nước mà doanh nghiệp bị thiệt thòi quyền lợi chính đáng thì họ sẽ được bù đắp, chẳng hạn như từ quỹ bình ổn giá”, ông Vương Đình Huệ khẳng định và cho biết sẽ bổ sung nguyên tắc về bù đắp này vào luật để tạo sự yên tâm cho cộng đồng doanh nghiệp.  Một vấn đề khác được Bộ trưởng Vương Đình Huệ tập trung phân tích là nguồn tiền cho quỹ bình ổn giá. Ông nói: “Chúng tôi cho rằng không nên sử dụng ngân sách để bình ổn giá, trừ trường hợp khẩn cấp như thiên tai dịch họa. Sơ bộ tổng kết hoạt động bình ổn giá vừa qua thì thấy chỉ giải quyết được khâu ngọn, người được lợi lớn thực ra là nhà phân phối mà không phải là người tiêu dùng”. Theo Bộ trưởng, vừa qua các doanh nghiệp xăng dầu đều đã tự nguyện trích quỹ bình ổn giá. Về một số loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể trong danh mục nhà nước định giá, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bỏ mặt hàng thuốc lá điếu và bổ sung dịch vụ học tập (bên cạnh dịch vụ khám chữa bệnh đã có trong Danh mục). Bà Mai nói rõ thêm: “Nhà nước chỉ nên định giá dịch vụ khám chữa bệnh công và học phí trường công”.  Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội yêu cầu cụ thể hóa khái niệm “trường hợp cần thiết” để tránh sự lạm dụng tùy tiện. Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi ông nêu vấn đề: “Không nên tạo ra điều khoản mở về việc Nhà nước quyết định các loại hàng hóa dịch vụ cần định giá trong từng thời kỳ mà nên quy định ngay các loại hàng hóa dịch vụ đó vào luật”.

Theo SGGP