(Baonghean.vn) - Gia đình của lao động Võ Thị Thanh Mai vừa bỏ trốn tại Nhật Bản cho biết, từ tháng 8 đến nay, gia đình không nhận được thông tin nào từ con gái. Trước đó, Mai nhiều lần gọi điện về và than phiền rằng mức lương quá thấp.
» Thực tập sinh bỏ trốn ở Nhật Bản, doanh nghiệp yêu cầu bố mẹ ở quê nộp phạt thay
» Nhiều lao động sang Nhật hành nghề 'đá đồ'
Chiều 2/11, phóng viên tìm đến địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của lao động Võ Thị Thanh Mai ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP. Vinh.
Bà Hoàng Thị Dung - mẹ ruột của Mai cho biết: “1 năm trước, Mai tìm hiểu thông tin trên mạng rồi liên hệ với công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội, về bàn bạc với bố mẹ rồi quyết định đi Nhật Bản. Mai nhờ mẹ vay mượn ngân hàng để làm thủ tục. Ban đầu, công ty nói chi phí hết 5.500 USD, nhưng sau đó “lên” gần 7.000 USD. Thời gian hợp đồng là 3 năm.” - bà Dung cho biết.
Cũng theo bà Dung, trước khi đi, công ty cam kết mức lương hàng tháng sẽ tương đương 20 - 25 triệu VNĐ/ tháng. Tuy nhiên, thực tế, Mai kể không như vậy.
“Đi từ tháng 8/2016 nhưng đến nay chỉ gửi về được vài chục triệu đồng. Nhiều lần gọi điện về, Mai kể là công việc vất vả, trồng rau nhà lưới cho một gia đình chứ không phải nhà máy, công ty gì cả. Ở đó có 3 người Việt Nam đã làm từ trước, quan hệ thân thiết với chủ hơn, còn Mai vào làm sau, chủ không tôn trọng lắm. Ngoài ra, thu nhập không được như cam kết trước khi đi. Có tháng không có lương, có tháng lương chỉ 2 - 3 triệu đồng, thu nhập như vậy thì sao sống nổi!” - mẹ của Võ Thị Thanh Mai giãi bày.
Được biết, từ tháng 8/2017 đến nay, gia đình không nhận được cuộc điện thoại nào của Mai, cũng không có cách nào để liên lạc được. Trung tuần tháng 8, gia đình nhận được điện thoại từ công ty đưa Mai sang Nhật xuất khẩu lao động, thông báo là Mai đã bỏ trốn khỏi nhà máy và cư trú bất hợp pháp. Ngay lập tức, gia đình đã sắp xếp công việc để ra Hà Nội gặp đại diện công ty.
“Tại cuộc họp, công ty có đề cập đến hợp đồng bảo lãnh trước khi đi nhưng quan điểm của gia đình là không nợ nần gì công ty cả. Chi phí gần 7.000 USD để Mai đi đã đưa đủ rồi, còn hợp đồng bảo lãnh thì thời điểm đó công ty nói là ký để giữ lòng tin thôi…” - mẹ Mai kể.
Hiện tại, gia đình lao động Võ Thị Thanh Mai rất lo lắng, bất an. Đồng thời, gia đình cũng cho rằng phía công ty đưa Mai đi xuất khẩu lao động đã “lừa”, không thực hiện đúng cam kết ban đầu về thu nhập. “Bây giờ, chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Số tiền vay ngân hàng chưa trả hết, ông bà thu nhập chỉ dựa vào đồng ruộng, chăn nuôi, lại đang nuôi con nhỏ cho Mai…” - bà Dung nói.
Trước đó, theo thông tin từ Phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết, thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai (SN 1986), hộ khẩu thường trú ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP Vinh được Công ty CP đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội phối hợp với Nghiệp đoàn Kyusyu Factory Kyodo Kumiai (Nhật Bản) đưa sang thực tập tại nhà máy Takanami Yoshiaki (Nhật Bản) với thời hạn 3 năm, ngành nghề thực tập nông nghiệp vào ngày 19/8/2016.
Trước khi đi, để đảm bảo thực tập sinh không vi phạm hợp đồng, ông Võ Văn Chương và bà Hoàng Thị Dung - bố mẹ của thực tập sinh này đã dùng quyền sử dụng đất có diện tích 150m2 để bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ của thực tập sinh với công ty cho đến khi về Việt Nam thanh lý hợp đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 12/8/2017, thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai đã bỏ trốn khỏi nhà máy và ra ngoài cư trú bất hợp pháp.
Công ty CP đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội đã gửi công văn đến UBND tỉnh Nghệ An, trong đó thông tin về hành vi bỏ trốn của thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai và nêu rõ: “Hành vi của thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai đã vi phạm khoản 2, điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Nghệ An căn cứ theo thẩm quyền được quy định trong Nghị định 95, ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai. Đồng thời, căn cứ hợp đồng bảo lãnh, yêu cầu bố mẹ của thực tập sinh phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt thay số tiền bị phạt vì hành vi vi phạm của con mình.
Phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết, trung bình mỗi năm, Sở nhận khoảng 10 công văn tương tự về hành vi bỏ trốn của lao động Nghệ An ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, Nghệ An chưa xử phạt 1 trường hợp lao động xuất khẩu Nhật Bản bỏ trốn, vi phạm hợp đồng nào. Lý giải nguyên nhân, cán bộ Phòng Việc làm cho biết, để xử phạt lao động bỏ trốn thì phải tìm được họ, nhưng thực tế thì việc này rất khó. Thẩm quyền của Sở LĐ-TB&XH là tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Còn hợp đồng bảo lãnh là giao dịch giữa doanh nghiệp và người lao động, Sở không có thẩm quyền phân xử, giải quyết. |
Phước Anh