(Baonghean) - Gần đây, một số báo điện tử và các trang mạng vi phạm pháp luật hiện hành vì thông tin bịa đặt, sai thực tế và phản cảm, Bộ TT&TT đã liên tục có nhiều quyết định xử phạt hành chính, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng góp phần lập lại trật tự, lành mạnh hóa môi trường thông tin điện tử...
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí (ngày 12/11), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, đã xuất hiện hiện tượng “tư nhân hóa báo chí”, “thương mại hóa báo chí”. Cá biệt có trường hợp thông tin thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm và thông tin sai nhiều nhưng không cải chính, vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.
Cùng với hiện tượng nêu trên là việc các tờ báo, các trang tin điện tử đi theo xu hướng phục vụ các thị hiếu tầm thường, dung tục; sẵn sàng đăng tải các tin, bài giật gân yếu kém về nội dung, sai lệch tư tưởng, suy đồi về đạo đức, nhằm “câu view”, tăng lượt người truy cập. Nhiều trang tin chưa được cấp giấy phép nhưng vẫn hoạt động bình thường. Điều đáng nói là, những tờ báo, trang tin điện tử nói trên xuất hiện ngày càng nhiều và trực tiếp tác động xấu đến hoạt động của môi trường báo chí nói riêng, đời sống nói chung.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy giáo Hồ Đình Quỳnh – Hiệu phó Trường THPT Quỳnh Lưu I, cho rằng, điều đáng lo ngại là một số bài viết đăng tải một cách chính thống nhưng lại “bình thường hóa” các vấn đề phi đạo đức, phi nhân tính. Nhiều bài viết kể các câu chuyện suy đồi nhưng thái độ rất “điềm nhiên”, cứ như là cổ xúy, xúi dục, không hề tỏ rõ sự phê phán, lên án. Điều này tác động xấu đến nhận thức xã hội, trong đó có lớp trẻ. Không ít học sinh bây giờ thời gian lướt mạng, lướt web nhiều, thấy báo chí, trang tin đề cập các vấn đề nhạy cảm, phản cảm, lập tức “chia sẻ” cho bạn bè cùng xem và theo dõi. Đáng tiếc là trong các diễn đàn trao đổi, các nội dung nghị luận xã hội, không ít học sinh còn trích dẫn một số bài viết với nội dung “có vấn đề” trên báo, trang thông tin, coi như đó là sự thừa nhận của báo chí, của công chúng. Tất cả dẫn đến những nhận thức lệch lạc.
Anh Phạm Văn Thành, chủ cửa hàng Thành Sen – xã Hưng Lộc (TP Vinh), có con đầu đang học Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, khi hòa mạng internet, băn khoăn: Nối mạng Internet cho con đọc sách, đọc báo, thu thập thông tin. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện một số báo, trang điện tử đưa tin đậm về các câu chuyện như: đại gia lấy nhiều vợ; ca sỹ, người mẫu ly hôn; kể chuyện đời tư, về thời niên thiếu của một kẻ mang trọng tội, trọng án như thể một người hùng; kể về chuyện loạn luân một cách tỉ mỉ, khêu gợi… lại thấy bất an. Còn nhỏ, làm sao các cháu “tự miễn dịch” được?
Anh Nguyễn Đình Hùng – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin UBND huyện Nghi Lộc, cho rằng: Các báo, trang tin điện tử có tác động, ảnh hưởng đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong khi hệ thống thông tin văn hóa cơ sở ra sức xây dựng đời sống văn hóa, rất nhiều gương người tốt, việc tốt, lối sống đẹp… thì nhiều báo, trang tin lại ít phản ánh, hoặc đưa tin rất mờ nhạt; mà lại tập trung đưa các “dư chấn đen”, về những chuyện như: viết thư có nội dung bậy bạ; chê gái miền này, xúc phạm trai tỉnh nọ một cách tùy tiện, vô lối; xoi mói chuyện “thơ ấu của một cầu thủ trẻ đang nhiều hứa hẹn;…
Trong tháng cuối quý II, và 2 tháng đầu quý III năm 2014, Bộ Thông tin & Truyền thông đã liên tiếp chấn chỉnh lại tình trạng hoạt động thông tin bùng phát với dấu hiệu bất thường, không theo tôn chỉ mục đích, vi phạm Luật Báo chí của nhiều tờ báo. Tháng 8 và tháng 9, các cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý đình bản báo điện tử Tri thức Trẻ và phạt nặng báo này vì đăng bài “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”; phạt hành chính các báo Đất Việt, Tiền Phong và Kiến Thức và 2 trang tin điện tử www.doisongphapluat.com.vn của Báo Đời sống và Pháp luật và www.seatimes.com.vn của Tạp chí Đông Nam Á, về việc đăng tin sai sự thật liên quan đến “Lá thư con gái gửi bố ngoài đảo”. Sang tháng 10, Bộ Thông tin & Truyền thông đã thu hồi vĩnh viễn giấy phép của trang mạng xã hội Haivl.com của Công ty cổ phần công ty CP Công nghệ APPVL Việt Nam và xử phạt 205 triệu đồng đối với Công ty cổ phần APPVL. Trang web haivl.com có cách làm “tự nhiên chủ nghĩa” là cho mọi người có thể sáng tạo với những hình ảnh vui, ảnh chế, clip hài hước… và thoải mái bình luận về những thông tin được đăng tải. Trang này đã đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm, phản cảm, xúc phạm danh nhân văn hóa, do đó đã bị “diệt tận gốc”. Trang 2sao.vn cũng bị phạt 55 triệu đồng và thu hồi giấy phép trong 3 tháng, trang megafun.vn bị phạt 60 triệu đồng và tạm thời ngừng hoạt động trong 1 tháng trong khi baomoi.com bị phạt 10 triệu đồng vì đăng những thông tin không phù hợp, mang tính xúc phạm. Đợt này, cơ quan phát sóng chương trình dùng khăn Piêu làm khố cũng bị phạt 15 triệu đồng.
Ngày 9/11 Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam tạm ngừng hoạt động 7 trang thông tin có nội dung vi phạm. Đó là 7 trang thông tin gồm: zuum.vn, thugian.com.vn, lamthenaoaz.vn, suckhoegioitinh.edu.vn, huongdan.edu.vn, suckhoedoisong.edu.vn và tuvantamly.vn. Lý do là các trang web này chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động và cũng đăng tải các thông tin một cách tràn lan, thiếu lựa chọn. Bộ TT&TT đã yêu cầu Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh xử lý tên miền cab.vn cùng với lý do như trên. Ngày 12/11/2014, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đã đề nghị Sở TT&TT Hà Nội xử lý theo thẩm quyền 2 trang thông tin điện tử edaily.vn và tinhay.vn của Công ty cổ phần trực tuyến NetLink với lý do các trang tin này đăng tải một số bài viết “quá trớn”, thông tin sai sự thật. Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phát hiện 3 trang thông tin điện tử gồm www.emdep.vn, www.myidol.com.vn, www.toancanhbaochi.vn hoạt động cung cấp thông tin điện tử tổng hợp khi chưa có giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp. Cùng với đó là tự ý tạo các diễn đàn để “tự tung tự tác”.
Hàng loạt những biện pháp kiểm tra, xử lý của Bộ TT-TT trong thời gian gần đây là dấu hiệu tốt về những chuyển động có hiệu quả trên lĩnh vực quản lý báo chí, quản lý các trang tin điện tử. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, việc tăng cường kiểm tra, xử lý báo chí, các trang tin điện tử vi phạm không có nghĩa là “trói chặt”, là “o ép” hoạt động của các cơ quan báo chí, các trang điện tử. Mà đó chính là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện phương châm phát triển báo chí, trang tin điện tử, đi liền với tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quản lý.
Đức Dương
Cả nước hiện có 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể. Trong 10 tháng đầu năm, đã xử phạt 34 cơ quan báo chí, khắc phục gần 7.300 các cổng, trang tin bị tấn công. Cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng. (Phó Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội sáng 17/11). |