Cùng đi có đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bày tỏ lòng thành kính sâu sắc trước cuộc đời và tấm lòng yêu nước, thương dân của thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại Làng Sen, xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay là xóm Sen 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là Nguyễn Sinh Nhậm, một nông dân hiền lành, chất phác, yêu lao động, thân mẫu là Hà Thị Hy - một phụ nữ đảm đang và tài hoa.
Lên 3 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cha, 4 tuổi mồ côi mẹ và được người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ nuôi dưỡng trưởng thành. Lớn lên, Nguyễn Sinh Sắc phải lao động phụ giúp anh chị và không có điều kiện để được đến trường.
Thương cảm hoàn cảnh khó khăn của Nguyễn Sinh Sắc, thầy giáo Hoàng Xuân Đường ở Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên nhận cậu Sắc lúc đó về nuôi, cho ăn học. Sau một thời gian học hành tiến bộ, Nguyễn Sinh Sắc ngày càng được mọi người "mến vì đức, trọng vì tài", được thầy Hoàng Xuân Đường gả con gái đầu lòng là Hoàng Thị Loan.
Sau hơn 20 năm “dùi mài kinh sử”, khoa thi hội năm Tân Sửu (1901) Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng; đến tháng 5/1906, được triều đình Huế bổ nhiệm chức Thừa biện Bộ lễ, vào làm quan ở Huế và sau đó được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.
Trong thời gian làm tri huyện Bình Khê, nhiều lần Tri huyện Nguyễn Sinh Sắc xử cho những người nghèo thắng kiện, chống đối viên công sứ Pháp ở Bình Định nên ông bị chúng cách chức buộc phải định cư vĩnh viễn ở Nam Kỳ.
Năm 1927, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ngụ cư tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, sinh sống bằng nghề bốc thuốc và thường xuyên liên lạc với các chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp "an trí" tại các địa phương lân cận như: Dương Bá Trạc ở Long Xuyên, Võ Hoàng ở Sa Đéc, Nguyễn Quyền ở Bến Tre, Trương Gia Mô ở Rạch Giá.
Do tuổi cao bệnh nặng, ngày 27/11/1929, nhằm ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã trút hơi thở cuối cùng tại làng Hòa An, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhân dân địa phương với tấm lòng thương yêu, quý trọng đã góp tiền mua đất an táng thi hài của Cụ gần Miếu Trời Sanh, cạnh chùa Hòa Long - Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Lúc bấy giờ, người con thứ 3 của Cụ Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ chí Minh) đang bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân...
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Đồng Tháp đã kiên cường đấu tranh để giữ gìn bảo vệ phần mộ. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 22/8/1975, phần mộ của ông được nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức xây dựng thành Khu tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để bày tỏ tấm lòng tôn kính và biết ơn đối với thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp lễ giỗ lần thứ 90 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Kim Liên đã xây dựng bộ triển lãm “Từ Làng Sen đến Hòa An, Cao Lãnh” để trưng bày tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp.
*Sáng cùng ngày,tại xã Kim Liên, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An,Sở Văn hóa - Thể thao, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên phối hợp với huyện Nam Đàn và hai dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân đã tổ chức Lễ giỗ lần thứ 90 năm ngày mất của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc theo đúng nghi lễ truyền thống của dân tộc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.