Lời tuyên thệ của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước sau khi được bầu là lời cam kết trước Quốc hội, trước Nhân dân về trách nhiệm của mình.
 
Hôm nay (21/3), Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Diễn ra sau thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng, tại kỳ họp này, Quốc hội dành quá nửa thời gian để kiện toàn nhân sự Nhà nước, trong đó có các chức danh lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
 
Lãnh đạo được chọn phải tạo sự chuyển động
 
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Kỳ họp 11 là kỳ họp cuối cùng của khoá XIII, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo của nhiệm kỳ mới. Việc sớm kiện toàn nhân sự là rất quan trọng để tạo động lực mới, khí thế mới, sớm tổ chức thực hiện công việc của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
 
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, vấn đề quan trọng không phải ai được bầu vào vị trí nào, với số phiếu bao nhiêu, mà chính là việc sau khi bầu xong, họ có phát huy được điểm mạnh, chứng tỏ sự lựa chọn của Quốc hội là đúng đắn hay không.
 
“Lãnh đạo được lựa chọn làm thế nào để tạo sự chuyển động trong phát triển kinh tế - xã hội, phải tạo ra sự chuyển biến. Đó mới là điều cử tri mong mỏi”, ông Phúc nói.
resize_images1486421_nguyen_hanh_phuc_1_fucd.jpgTổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Nhấn mạnh kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành tổng kết nhiệm kỳ, thông qua các dự án luật, nghe các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khoá XIII, nhưng theo đại biểu Nguyễn Văn Rinh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là việc bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Chính vì vậy, căn cứ tiêu chuẩn, trên cơ sở thảo luận và nhận sự tín nhiệm của đại biểu, Quốc hội sẽ chọn ra những người tiêu biểu lãnh đạo, điều hành đất nước.
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, trong bối cảnh tình hình đất nước hiện tại, nhiều nhiệm vụ sẽ được đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao được bầu tới đây, như bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; phát triển kinh tế đất nước; hạn chế tham nhũng…
 
“Những nhiệm vụ này đòi hỏi những người đứng đầu bộ máy Nhà nước phải có đức, có tài, có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Tôi rất hy vọng Quốc hội tới đây sẽ bầu chọn được người xứng đáng với vị trí, chức danh của họ”, đại biểu Nguyễn Văn Rinh nói.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Rinh.

Theo quy định mới nhất, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TANDTC phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu.

“Đại biểu Quốc hội và người dân mong muốn được nghe lời tuyên thệ của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước sẽ nhận nhiệm vụ mới tới đây. Đó sẽ như một lời cam kết trước Quốc hội, trước Nhân dân về trách nhiệm của họ trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Bởi với tư cách là người được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt thì phải có trách nhiệm toàn diện với đất nước, giải quyết được các vấn đề nóng bỏng”, đại biểu Nguyễn Văn Rinh bày tỏ.
 
Kỳ họp đặc biệt của Quốc hội
 
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng Kỳ họp 11 có nhiều ý nghĩa trên mọi phương diện, tổng kết cả một nhiệm kỳ nên mang trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm đạo lý rất lớn. Do đó, mỗi đại biểu, dù tiếp tục tái cử hay không đều sẽ đóng góp hết sức mình để đáp ứng mong đợi của cử tri.
 

Trong chương trình nghị sự của kỳ này, Quốc hội dành phần lớn thời gian bàn về công tác nhân sự chứng tỏ Quốc hội luôn xác định cán bộ là khâu quyết định.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông.
Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra đường lối phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng. Những người được bầu vào BCH Trung ương, nếu được Quốc hội tiếp tục tin tưởng bầu vào các vị trí lãnh đạo sẽ tạo động lực to lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng đề ra.
 
“Là người đại biểu Quốc hội thay mặt cho cử tri bỏ lá phiếu bầu ra những người xứng đáng để lãnh đạo đất nước, tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng bộ máy Nhà nước. Tôi sẽ cân nhắc kỹ để thể hiện chính kiến của mình qua lá phiếu”, ông Lê Minh Thông chia sẻ.
 
Đánh giá đây là kỳ họp đặc biệt, bởi theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), sau 5 năm hoạt động, kỳ họp này là dịp để Quốc hội khoá XIII xem lại toàn bộ quá trình công tác của mình, đánh giá lại những hiệu quả trên các mặt lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát; đánh giá chất lượng và sự đóng góp của mỗi đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước sau thành công của Đại hội lần thứ XII.
 
“Với trách nhiệm của người đại diện cử tri cầm lá phiếu để bầu và lựa chọn ra những nhân sự lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, chúng tôi cảm thấy vinh dự và cũng ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. Tôi tin các nhân sự đã được sàng lọc kỹ lưỡng và chúng tôi sẽ công tâm để bầu chọn ra những người thực sự xứng đáng lãnh đạo đất nước, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước”, đại biểu Nguyệt Hường cho biết./.
 
Các ý kiến Đại biểu Quốc hội đều đánh giá, chất lượng hoạt động của Quốc hội khoá XIII là rất đáng ghi nhận. Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra yêu cầu về cải cách thể chế, đặc biệt là các thể chế về kinh tế. Đây cũng là trách nhiệm lớn lao của Quốc hội.
 
Điểm nhấn ấn tượng nhất của Quốc hội khoá XIII là việc thông qua Hiến pháp 2013, không chỉ nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân, mà còn là căn cứ sửa đổi các đạo luật liên quan tới tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế, dân chủ xã hội... Chính điều này đem lại động lực phát triển đất nước.
Nhiệm kỳ khoá XIII, Quốc hội đổi mới mạnh mẽ giám sát, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội và tất cả các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn ngay tại Hội trường về nhiều vấn đề, nhất là những việc chưa đạt kết quả.
 
Theo VOV