(Baonghean) - Làng tôi là làng thuần nông, như cách nói hiện nay, bởi ngoài làm ruộng ra không hề có ngành nghề thủ công nào khác. Phải đến mấy chục năm tôi mới được ở nhà mình một tuần. Có lần, nhà thơ Vương Trọng nói với tôi, chú ở Hà Nội thời gian gấp ba lần ở quê, vậy mà những gì chú viết được lại bắt đầu từ quê.

Nhìn cái gì ở quê mình cũng đẹp, mặc dù lý trí biết quê mình không có đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc... Anh Thạch Quỳ cũng có lần nói với tôi, tuổi thơ ở quê thật quan trọng, khi kỷ niệm tuổi thơ vơi đi cũng là khi viết khó. Những gì anh viết được cũng nhờ những ngày chăn trâu, cắt cỏ, bắt ong, hái sim trên đỉnh núi Quỳ. 

Một góc làng xã Mỹ Thành - Yên Thành. Ảnh: Hồ Các

Bây giờ, tôi đang trở lại quê tôi, sau nhiều năm xa cách. Trên con đường vào làng, những câu thơ của chú Vương Trọng cứ tràn về theo mỗi bước chân và nước mắt tôi tự nhiên rơi:

Khi mắt tôi khép lại cái nhìn

Hãy đưa tôi về nơi sinh nở

Làng tôi nhỏ lối vào làng cũng nhỏ

Ô tô về phải dừng lại đường quan

Bạn đọc có thể yêu nhiều câu thơ, bài thơ khác, bởi thơ Vương Trọng đã bay lên suốt mấy chục năm qua. Nhưng với tôi, những câu thơ chú Vương Trọng viết về quê mình làm tôi xúc động nhất. Đây là bài thơ chú viết để tưởng nhớ mẹ, người tôi gọi bằng bà:

Con lang thang vất vưởng giữa đời thường

Đâu cũng sống, không đâu thành quê được

Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp

Con ít về từ ngày mẹ ra đi

Tưởng như chẳng có gì cao xa, chữ nghĩa không mới mẻ mà xoáy vào lòng tôi suốt bao năm rồi như vừa mới hôm qua. Đây là hình ảnh chị dâu, người tôi gọi là mự (thím):

Nghĩ mà thương lắm chị dâu

Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường

Em ngồi đôi mắt nhòa sương

Nón tơi, cắp rá ngang vườn chị đi.

Đó là những hiện thực không hề tô vẽ, những năm họ Vương tôi rơi vào khủng hoảng do một sự sai lầm lịch sử. Chú Vương Trọng qua thơ mà nổi tiếng, nhưng ai biết được 10 tuổi chú mới được đi học lớp một. Anh Thạch Quỳ nói với tôi, nếu tình cảnh kéo dài có thể chú mù chữ! Nhiều khi sự thật đơn giản mà ai biết được vì nó như không còn. Và khi đi học chú là người học thông minh nhất từ khi còn là trẻ con đến khi học Đại học Tổng hợp khoa Toán. Chú Vương Trọng đặc biệt giỏi Toán và Ngoại ngữ. Tôi thường bị núp dưới cái bóng của chú. Trong những cuộc gặp bạn bè, nhất là các nhà văn, nhà thơ, tôi thường được ghi chú thêm khi giới thiệu “cháu Vương Trọng, em Thạch Quỳ đấy”. Mặc dù bị hai cái bóng đó che khuất, tôi không buồn và chừng mực nào có tự hào một chút. Tôi cố gắng để không bị dợp.

Từ xa tôi đã nhìn thấy núi Quỳ, nơi thuở nhỏ không ai trong làng tôi không có kỷ niệm ở đây. Và tôi biết trên mọi nẻo đường đất nước, dù làm gì ở cương vị nào thì núi Quỳ luôn luôn nằm trong trái tim người làng tôi.

Núi Quỳ bé sao mà nhiều đá thế

Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa

Hoa chổi rụng dưới cánh ong vò vẽ

Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa.

Và đây là cỏ: 

Cỏ dại ngày thơ bé

Li ti hoa tím màu

Cả bông trang vách núi

Suốt đời còn nhớ nhau.

Chỉ đọc mấy câu thơ này cũng đủ thấy thơ anh Thạch Quỳ có hai yếu tố đan dệt nên: tuổi thơ quê tôi và tâm hồn đá rắn. Nhiều người cứ tưởng anh Thạch Quỳ cứng rắn, ngang ngang, nhưng họ đã nhầm. Người đơn giản thường chỉ thấy bề ngoài và hình ảnh bề ngoài của anh Thạch Quỳ làm nhiều người tưởng thế. Thật ra, theo tôi biết, không ai lại mềm mỏng và phong phú trong tâm hồn như anh. Khi gặp nhau, tôi với anh Thạch Quỳ thường nói chuyện đến sáng. Một tâm hồn lồng lộng, những kiến thức huy hoàng và một cách nhìn biện chứng!

Vẫn là quê tôi, vẫn chiều chiều trên cánh đồng làng, anh Thạch Quỳ đi hóng gió:

Nước trong veo con cá quả no mồi

Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa

Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ

Nổi mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi.

Bạn thấy đấy, tình quê trong thơ anh Thạch Quỳ sống động và thơ mộng biết bao. Chính từ làng quê tôi, trời xanh quê tôi đã nuôi lớn một tâm hồn cao đẹp, nhen nhóm ngọn lửa tình yêu mãi mãi đến bây giờ. Thơ anh Thạch Quỳ là sự mềm mại đặc việt vì chan chứa cảm xúc:

Trời ta xanh mắt ai mà chẳng thấy

Vốn rất xanh từ cái tiết mùa Thu

Một sớm mây hừng, một chiều gió dậy

Một bầu trời thanh sắc lẫn trong thơ 

Làng tôi đấy, một làng quê bình thường, chẳng có gì thu hút bạn nhiều đâu. Ấy vậy mà là nơi sinh ra những hồn thơ. Có người nói, sở dĩ quê tôi, làng tôi có nhiều người làm thơ vì trong kháng chiến chống Pháp, làng tôi là vùng tự do. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam như Chế Lan Viên, Lưu trọng Lư, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Tý... đã đến ở và truyền ngọn lửa tình yêu văn học cho lớp thiếu niên trong đó có Vương Trọng và Thạch Quỳ. Tôi nghĩ cũng không sai. Nhưng ai biết bố chú Vương Trọng từng dắt tay các con dạo trong làng và đọc Truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán và chú Vương Trọng mới biết đi đã thuộc làu làu, không biết khi ấy chú có hiểu không? 

Bây giờ chúng ta mới có ngày Nguyên Tiêu dành cho Thơ. Nhưng họ tôi đã có ngày ấy có lẽ cách đây ngót nửa thế kỷ. Đêm 14 tháng Giêng, họ tôi đã 250 năm tế tổ. Trong những đêm như thế, khi việc tế tổ đã xong thường đến chương trình đọc thơ. Nói chương trình có vẻ không đúng vì thường như tự phát và tự nhiên, không hề có sự chuẩn bị nào. Đặc biệt khi chú Vương Trọng về nhà trong ngày ấy. Những đêm thơ như vậy, không chỉ anh em trong họ mà có khi kéo cả người ở xa hàng cây số đến nghe...

Vương Cường

(Hà Nội)