(Baonghean) - Chúng tôi về thăm làng cổ Hoàng La (xã Diễn Hoàng, Diễn Châu) vào một chiều đầu hè, nắng vàng rải dài bên cánh đồng lúa xanh mướt viền nét duyên con đường dẫn về vùng thôn mạc mà từ xa xưa đã sớm trở thành một vùng quê trù phú, giàu bản sắc…

Hoàng La có dòng sông Sơn Tịnh ngàn đời lặng lẽ uốn mình ôm ấp, chở che. Những bông hoa gạo cuối mùa đỏ ối rụng xuống ao đền Bà Quận. Về với làng, là được đắm mình trong truyền thuyết bà Quận gắn với nghề bện (đan) võng dứa ngô ở đây. Về Hoàng La hôm nay, gặp bất kỳ ai, hỏi về nghề bện võng dứa ngô mọi người đều nói rành mạch cách làm. Nghề bện võng bao đời giúp người dân Hoàng La đi qua những tháng ngày giáp hạt, để mỗi đứa con sinh ra, lớn lên trong thời khắc ấy hiểu và trân trọng hơn giọt mồ hôi, nước mắt của lao động, của một nét đẹp văn hóa không nơi nào có được. Chỉ tiếc, nghề đã mai một mất rồi.

Một góc làng Hoàng La

...Chuyện xưa kể, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, là con gái của Quốc Công, Thượng tướng Dương Sơn Hầu Nguyễn Nhiệm sinh vào những năm đầu thế kỷ XVI, gốc người Thanh Hóa. Năm 1522, bà theo thân phụ và người thân di cư vào Đông Thành ẩn cư tránh loạn nhà Mạc. Vốn có tư chất thông minh hơn người, giàu lòng nhân ái, lại được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, đời nối đời làm quan và rất giàu truyền thống trung quân ái quốc, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước cũng được hình thành từ trong bà rất sớm.

Trong thời kỳ Lê - Mạc, khi triều Lê điều động Nguyễn Nhiệm về làm trấn thủ Nghệ An, ông đã chọn vùng đất Diễn Hoàng ngày nay làm trung tâm căn cứ kháng Mạc. Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Oanh tích cực trong phát triển trang ấp để tạo thế và lực cho căn cứ mới. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự hỗ trợ của người thân, bà đã chiêu dân, lập được 19 trang ấp; xây dựng đến đâu, bà giao hẳn cho quản trang ở đó tự quản, không thu tô. Nhờ vậy các trang ấp do Quận chúa khai khẩn, chiêu lập đã trở thành vành đai chiến lược vững chắc cho căn cứ kháng chiến...

Nhân dân Hoàng La biết ơn bà không chỉ vì Quận chúa là người khai cơ, lập ấp giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, mà công lao của bà còn được nhắc tới là người tạo ra và truyền dạy nghề làm võng từ cây dứa ngô. Sau khi Quận Chúa qua đời, bà được nhân dân lập đền thờ gọi là đền thờ Bà Quận. Bà Quận và các nhân vật trong dòng họ Nguyễn có công lao với nhân dân, đất nước đã được các triều đại phong kiến phong sắc là thần bảo hộ của làng.

Nhắc đến nghề bện võng đã gắn bó với mình gần trọn cuộc đời, cụ Vũ Thị Tín (82, làng Hoàng La) ngước đôi mắt đục ngầu nhìn xa xăm như nuối tiếc cho cái nghề đã đi vào dĩ vãng. 8 tuổi đầu cụ Tín đã phụ giúp cha mẹ bện võng. Bện võng đối với mỗi đứa trẻ sinh ra trong ngôi làng ấy như một điều tự nhiên vốn phải thế. Đôi tay già nua đầy nếp nhăn không nhớ nổi đã đan bao nhiêu cánh võng cho đời. Để nuôi được 8 người con nhỏ, đôi bàn tay nhỏ bé ấy đã miệt mài không quản những trưa hè oi ả hay những đêm đông rét mướt. Cụ Tín là người cuối cùng ở Hoàng La còn bện võng cách đây 2 năm. Trước khi chia tay với nghề, cụ đan cho cháu nội mình chiếc võng cuối cùng để làm kỷ niệm.

Đền thờ bà chúa Quận ở làng Hoàng La nổi tiếng linh thiêng.

Võng dứa ngô ở Hoàng La có độ bền cao, càng dùng càng mịn và nằm rất mát nên được thị trường ưa chuộng. Võng dứa ngô Hoàng La có hai loại: võng cáng và võng ru. Võng cáng là loại võng dùng để cáng rước các bậc quan viên và người có chức sắc trong xã hội. Võng cáng khi xe xong được vẽ hình long - ly - quy - phượng bằng sơn màu ở phía ngoài để tăng thêm vẻ uy nghi cho người ngồi trên võng. Võng ru được sản xuất phổ biến dùng trong mọi gia đình, hai đầu võng ru được người thợ xe bện rất chắc chắn, để khi mắc vào gông, đung đưa mạnh vẫn an toàn. 

Cây dứa ngô được người dân Hoàng La tận dụng trồng ở bờ ao, hàng rào, bờ ruộng hoặc những chỗ đất thừa thẹo mà vẫn không đủ dùng. Để có sợi bện võng, người dân phải lội bộ hàng chục cây số, ra Quỳnh Lưu rồi vào Yên Thành, Đô Lương… tìm mua dứa ngô, nhiều lúc họ phải đi hàng tuần mới kiếm được nguyên liệu. Nhu cầu nguyên liệu bện võng cũng tạo ra một đội ngũ những người chuyên đi thu mua về bán lại cho nhân dân.

Ở Hoàng La trước kia có nhiều phường làm võng, thực chất đó là nơi tập trung những người cùng làm võng để vừa làm, vừa hát, vui đùa cho công việc đạt năng suất cao mà lại đỡ mệt nhọc. Hát phường võng ở Hoàng La không khác mấy so với hát phường vải ở Nam Đàn. Ngày đó vào những trưa hè oi bức, mọi người thường tụ tập dưới gốc tre dọc ven làng, vừa bện võng vừa hóng mát cho vơi đi cái nóng cắt da, cắt thịt.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nghề làm võng dứa giờ chỉ còn lại trong nỗi nhớ khôn nguôi của những người con Hoàng La từng miệt mài xe võng kiếm gạo. Và đâu đó trong ký ức của những cô cậu một thuở gắn bó tuổi thơ mình bên cánh võng vẫn thấp thoáng một nếp làng có từ xa xưa được dệt nên từ tấm lòng nhân hậu của Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Oanh.

Lan Thái