(Baonghean) - Làng nghề Phú Thành - Quỳnh Hậu - Quỳnh Lưu nổi tiếng với nghề “cha truyền con nối”, đó là nghề làm miến. Món ăn bình dị, dân dã đậm đà chất quê này đã đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi người dân nơi đây.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hường ở làng miến Phú Thành đóng gói miến để xuất bán.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hường ở làng miến Phú Thành đóng gói miến để xuất bán.

Chúng tôi về làng miến Phú Thành trong chiều hè nắng chói chang, thấy sân nhà nào cũng đầy những tấm phên, những thanh tre bắc lên để phơi miến, khách hàng vào ra mua miến nhộn nhịp. Theo người dân, ngày trước nghề này làm bằng thủ công rất vất vả nặng nhọc và mất nhiều thời gian, dịp giáp Tết có khi thức thâu đêm suốt sáng để làm miến mà vẫn không kịp đáp ứng cho khách hàng. Từ năm 2009 đến nay hầu hết người làm miến ở Phú Thành đã chuyển sang mua sắm máy móc, áp dụng công nghệ  vào làm miến vừa đỡ vất vả vừa mang lại hiệu quả cao. 

Anh Nguyễn Văn Tình - một người làm miến ở Phú Thành kể: “Năm 2011, gia đình tôi đầu tư trên 30 triệu đồng để mua máy đập bột và máy đùn miến, mỗi ngày sản xuất từ 180 - 200 kg gạo, sản xuất miến bằng máy năng suất gấp 5 lần so với sản xuất thủ công và luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nghề làm miến tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Tình thì miến Phú Thành ngoài cung ứng cho hầu hết các chợ đầu mối ở Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, còn được bán rộng rãi ở cả thị trường TP. Vinh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Sở dĩ miến của Phú Thành luôn “đắt” khách giữ được thương hiệu trong lòng khách hàng là nhờ sản phẩm chất lượng uy tín. Ngoài sử dụng công nghệ làm miến bằng máy thì người làm miến Phú Thành có bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý để tạo nên sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm, sợi đẹp, để vài tháng không bị mốc hỏng.  Để làm được miến ngon, thì khâu chọn nguyên liệu chủ yếu bằng gạo thuần không làm bằng gạo lai vì quá dẻo. Bột gạo sơ chế xong cho vào máy để “đùn”, sau đó đem phơi, chỉ cần một nắng to là  bán được.

Nhà bà Nguyễn Thị Hường có tới 4 lao động đang tích cực đóng gói miến để giao hàng cho khách. Bà Hường cho hay, cứ 2 kg gạo làm ra 1,8 kg miến, bán với giá 12.500 đồng/kg miến, tính ra có ngày lãi từ 200.000 đồng - 300.000 đồng. Để làm ra được sợi miến ngon cũng không hề đơn giản, cứ 3 giờ sáng là phải dậy để đập bột, ngâm và trộn, 6 giờ sáng thì đưa bột vào máy để sản xuất miến và gác lên giàn phơi. Trời nắng còn đỡ, có khi trời đổ mưa dông chạy không kịp là miến hỏng hết. Riêng gia đình tôi sản xuất 2 loại miến đáp ứng cho khách hàng, đó là loại miến “gấp” và miến “vả”. Miến “gấp” là loại miến thông dụng gác sào phơi, riêng miến “vả” được làm khá công phu, bột xay mịn hơn, sợi nhỏ hơn, khi phơi phải rải đều trên tấm phên, loại miến “vả” thường đắt hơn miến thường 1.500 đồng/kg. Nghề làm miến cũng có cái hay là còn tận dụng được phụ phẩm để chăn nuôi lợn, gà, gia đình tôi mỗi năm thu từ nghề miến khoảng trên 60 triệu đồng và tiền bán lợn khoảng trên 20 triệu đồng. Nhờ từ nghề làm miến mà bà Hường đã có tiền để tu sửa lại ngôi nhà và nuôi các con ăn học.

Bên cạnh đó là gia đình anh Trần Văn Ngọc (SN 1979) đã có thâm niên làm nghề miến hơn 15 năm, anh Ngọc vừa sản xuất miến vừa thu gom miến để tiêu thụ các thị trường ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Theo anh Ngọc thì mình thu gom miến vừa lo đầu ra cho bà con, vừa góp phần xây dựng, quảng bá “thương hiệu” miến Phú Thành. Nghề làm miến ở Phú Thành làm quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp giáp Tết và ra Tết, có khi người làng phải tăng công suất, làm thâu đêm suốt sáng nhưng vẫn không đủ cho khách hàng lấy. Ngày thông thường làm 200 kg gạo/ngày, dịp giáp Tết từ 300 - 500 kg/ngày. Mong muốn của nhiều bà con làng nghề hiện nay là được vay vốn ưu đãi để mua sắm thiết bị sản xuất, thu mua dự trữ gạo. Bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ thêm, mỗi lần mua gạo từ 4 - 5 tấn, số tiền tương đương 40 - 50 triệu đồng, nếu dịp giáp Tết gia đình bà cần khoảng trên 100 triệu đồng tiền vốn. Nhiều gia đình còn cần tiền để cải tạo sân phơi, khu vực phơi miến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Hồ Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu cho biết: Làng nghề miến Phú Thành được UBND tỉnh công nhận từ năm 2012. Đến thời điểm này có trên 40 hộ dân theo nghề sản xuất miến (trong đó có 3 - 5 hộ dịch vụ kinh doanh nghề miến), tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thuận lợi là nguồn nguyên liệu chủ yếu là gạo của địa phương làm ra chủ động để sản xuất. Nhờ nghề làm miến mà Phú Thành ngày càng khởi sắc, nhà cao tầng ngày càng nhiều, đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa, các gia đình đều mua sắm được tiện nghi sinh hoạt, một số hộ chuyên nghề dịch vụ miến đã mua sắm ô tô để vận chuyển miến đi tiêu thụ như gia đình Hồ Văn Dũng mua xe tải trọng 2,5 tấn chở miến đi tiêu thụ tận Quảng Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh... Xã đang tiếp tục khuyến khích bà con tăng số hộ theo nghề miến và tăng quy mô sản xuất, bởi sản phẩm làm ra vẫn chưa đáp ứng được cho thị trường hiện nay.

Khó khăn đặt ra cho làng nghề miến Phú Thành hiện nay là, từ khi được tỉnh công nhận làng nghề nhưng vẫn chưa có các dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng, như hệ thống thoát nước để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có dự án xây dựng đường làng nghề, nên khó khăn trong việc lưu thông. Người dân làm miến Phú Thành đang cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để nghề miến phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Văn Trường