(Baonghean) - Chuẩn bị cho vụ hoa Tết Ất Mùi 2015, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, các làng hoa vùng ngoại ô thành Vinh đã nhộn nhịp vào mùa. Nhiều thương lái từ khắp nơi cũng đã tìm đến đây xem cây cảnh và đặt mua hàng sớm, làng hoa vì thế nhộn nhịp hơn các mùa khác trong năm.

Ghé thăm làng hoa cây cảnh Kim Chi (xã Nghi Ân - TP. Vinh) cảm nhận được không khí khẩn trương lao động, sản xuất của bà con nông dân để cho các loài hoa, cây cảnh không lỗi hẹn với Tết… Ông Nguyễn Đình Trúc- Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: “Vào thời điểm cận Tết thường có khách hàng và các thương lái trong, ngoài tỉnh tìm đến Nghi Ân tham quan và có thể đặt hàng hoa Tết với các chủ vườn. Để có hoa bán đúng các dịp trước, trong và sau Tết, người dân phải trồng 3 lứa; lứa 1 từ cuối tháng 9 dương lịch đến ngày 15/12, lứa 2, 3 từ ngày 15/10 đến ngày 15/1. Suốt hơn 3 tháng ròng, thời điểm nào cũng quan trọng đối với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của hoa. Người trồng chỉ sơ sẩy ở một công đoạn kỹ thuật cũng có thể đánh mất nguồn thu nhập chính trong năm của gia đình. Trải qua hàng chục năm gắn bó với nghề, người này học hỏi người kia, mỗi người dân đều tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để năng suất vụ sau vượt trội hơn trước".

Nông dân làng hoa Trung Mỹ, xã Hưng Đông (TP. Vinh) trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Đến nay, mỗi người dân Nghi Ân đã nắm vững những kiến thức, kỹ năng để có thể trụ lại với cái nghề vất vả này. Cứ vào đầu vụ, trong làng cắt cử người ra tận Hà Thành chọn mua những giống hoa tốt nhất về phân phối cho mọi người. Trồng hoa khó nhất là phải cho hoa nở đúng vào dịp Tết. Nếu trời nắng ấm kéo dài phải tìm cách hãm không cho hoa nở sớm, ngược lại năm nào trời rét đậm lại phải phun thuốc kích thích và thắp điện sưởi ấm cho hoa nở. Ông Nguyễn Hữu Thông, xóm trưởng xóm Kim Chi cho biết: “Mỗi sào hoa cho thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng. Nhờ gắn bó với nghề, cuộc sống của người dân làng Kim Chi đã đổi thay. Có những gia đình gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy, dù vất vả hơn so với làm nông nghiệp nhưng người dân ở đây vẫn kiên quyết gắn bó với nghề”. Qua số liệu thống kê, toàn xã hiện có gần 300 hộ theo nghề, tập trung chủ yếu ở các xóm Kim Chi (130 hộ), xóm Kim Phúc (100 hộ), xóm Kim Mỹ (40 hộ)... Hoa Nghi Ân chủ yếu là hoa cúc, hoa hồng, violet, thạch thảo; hiện có 15 loài cúc khác nhau trên đồng đất của bà con như cúc pha lê, cúc trắng, cúc nhị xanh, cúc huệ, cúc bạc... Ngoài ra còn có sự “góp mặt” của hoa ly, făngxê, lay ơn, loa kèn... Đặc biệt là hoa ly, theo kinh nghiệm của một số hộ đã thử nghiệm trồng từ 3 năm nay thì đây là giống hoa “đỏng đảnh” so với thời tiết miền Trung. Nhưng nếu trồng thành công, một chậu trồng từ 3 - 5 cây đưa vào nội thành bán dịp Tết với giá 150.000 - 250.000 đồng/bình… 

Không khí xuân cũng đang tràn ngập khi đến thăm làng hoa Trung Mỹ ở xã Hưng Đông (TP. Vinh). Đang tranh thủ lắp thêm bóng đèn chiếu sáng cho luống hoa cúc vừa xuống giống được 8 ngày, anh Lê Viết Thảo (xóm Trung Mỹ) vui vẻ cho biết: “Trên diện tích hơn 600m2 vườn này năm ngoái nhà tôi trồng 3 lứa hoa cúc các loại, với giá bán 2.500 - 3.000 đồng/cây, sau khi trừ chi phí đã cho thu nhập được hơn 40 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục trồng 8 loại hoa cúc khác nhau, xuống giống chia làm nhiều đợt để có hoa thu hoạch dần từ Tết Dương lịch đến rằm tháng Giêng. Nghề trồng hoa nhìn qua có vẻ thanh nhàn nhưng không hề đơn giản, ngoài việc nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu thuận lợi thì người trồng mới cầm chắc đồng lãi. Năm nay chúng tôi đang hy vọng được mùa cúc bởi thời tiết nhìn chung khô ráo, mưa ít. Nếu gặp mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ tạo môi trường cho bệnh nấm phát triển, mà riêng đối với dòng hoa cúc, chỉ cần mưa nặng hạt kéo dài là cây bó rễ, không lớn được. Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định thắng hay thua một mùa vụ hoa”. 

Tính từ ngày những cây hoa đầu tiên được trồng trên mảnh đất Hưng Đông đến nay cũng đã hơn 20 năm, nhưng trở thành phong trào và được mở rộng diện tích là khoảng thời gian từ năm 1995; đến nay toàn xã có gần 300 hộ theo nghề, sản xuất trên diện tích ổn định hàng năm 3,5ha. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi hộ sản xuất ít nhất khoảng 4.000 cây, hộ nhiều lên đến trên 2 vạn cây, chủ yếu là tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế, 4 năm trở lại đây, ngoài những loại hoa truyền thống, người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm nhiều loại hoa cao cấp như hoa ly, hoa lan, tuylip… Qua nhiều năm gắn bó với nghề, kinh nghiệm của người dân dần được nâng lên, đặc biệt là ý thức trong tạo sản phẩm gắn liền với thị trường tiêu thụ. Như hộ chị Nguyễn Thị Tính, chị Trần Thị Hà (xóm Trung Mỹ), đã hơn 4 năm nay, để có nguồn thu nhập ổn định, ngoài việc sản xuất hoa phục vụ thị trường Tết, còn nhận cung cấp giống hoa các loại vừa chăm sóc và trang trí toàn bộ diện tích trong Quảng trường Hồ Chí Minh...

Ngoài việc chuẩn bị các loại hoa phục vụ thị trường Tết, thì các nhà vườn trồng cây cảnh, bonsai cũng đang bận rộn chỉnh trang, chăm sóc lại cây để kịp cung ứng cho thị trường Tết. Với hàng trăm loại cây khác nhau, trong đó có nhiều giống mới được chuẩn bị trong năm nay như: mai chiếu thủy, nguyệt quế, kim quýt, sứ quan âm, vạn niên tùng... Do tính đặc thù của cây cảnh là bán quanh năm, vì thế để tham gia thị trường Tết, người trồng phải cập nhật liên tục những giống mới để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường… Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh đang tích cực chăm sóc, xử lý kỹ thuật để có được những bông hoa khoe sắc đúng thời điểm. Ngoài yếu tố xuống giống đúng thời vụ và sự kỳ công chăm sóc của các chủ vườn, để hoa nở đúng dịp Tết còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Vì vậy, người trồng hoa đang hồi hộp, trông đợi những ngày cuối năm mưa thuận gió hòa để có một cái Tết thắm sắc hoa, thêm ấm no…

Bài, ảnh: Ngọc Anh