(Baonghean.vn) – Làng nghề mộc Dinh Chu (xã Thanh Tường, Thanh Chương) bao đời nay đã nức tiếng gần xa với những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tuyệt tác, tinh xảo đặc biệt là những công trình nhà thờ theo lối kiến trúc cổ … 

Làng mộc Dinh Chu có truyền thống hàng trăm năm, làng được công nhận làng nghề từ năm 2008. Hiện làng Dinh Chu có 50/115 hộ vẫn giữ nghề truyền thống, với gần 100 lao động làm nghề.
Nét độc đáo của nghề mộc ở Dinh Chu là nghề truyền đời làm nhà thờ gỗ với lối kiến trúc cổ độc đáo. Theo kinh nghiệm của những người thợ lâu năm nơi đây, những loại gỗ được chọn làm nhà thờ thường là gỗ quý: mít, dổi, lim… tuổi gỗ càng già càng chắc, bền, lên màu đẹp.
Những công trình nhà thờ gỗ khác với làm những sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ khác ở những nét hoa văn sắc nét, độc đáo, được chạm khắc tinh xảo, đòi hỏi sự kỳ công, tài hoa của người thợ. Chi tiết được chạm khắc trên Ke của nhà thờ thường là tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng hoặc tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Những đường nét chạm khắc cổ luôn phải chuẩn tỷ lệ, đẹp mắt và thể hiện được ý nghĩa biểu trưng sâu xa của nó.

Những người thợ làm nghề rất cầu kỳ, tỷ mẩn trong từng công đoạn từ bào, đục, đẽo … để làm nên những bộ phận của công trình mang ý nghĩa tâm linh này. Bởi vậy, làm nhà thờ thường mất nhiều thời gian, công sức hơn các công trình khác; từ vài tháng đến nửa năm mới hoàn thành.

Nghề mộc không chỉ dành cho đàn ông mà có một số công đoạn cần sự tỷ mỉ, khéo léo và không quá nặng nhọc thì những người phụ nữ làng nghề sẽ đảm nhận.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất ở làng Dinh Chu đã đầu tư thêm các loại máy móc hiện đại mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Mặc dù công việc nặng nhọc nhưng nghề làm nhà thờ ở Dinh Chu mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Mỗi người thợ lành nghề được trả công khá cao, trung bình từ  4 -5 triệu đồng/  tháng.
Gia đình Lê Công Sơn (xóm 5) nhiều thế hệ làm nghề mộc ở Dinh Chu. Anh cho biết, có những tháng nhận làm 2- 3 nhà thờ, anhh phải thuê thêm thợ ở các làng nghề mộc nổi tiếng ở Hải Dương, Bắc Ninh về để phụ giúp. Một số công đoạn như sơn son trên gỗ, anh phải gửi ra làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) để gia công thêm.
Làm nhà thờ gỗ đòi hỏi người thợ phải chăm chút từng chi tiết nhỏ, riêng chạm khắc trên bộ cửa ban khoa này cũng đã mất nhiều tháng ròng. Bởi thế, mỗi hộ làm nghề ở làng Dinh Chu thường nhận làm từ  5 - 6 công trình nhà thờ, để có thể trau chuốt được từng sản phẩm; giữ thương hiệu làng nghề. 
Mặc dù mỗi công trình nhà thờ gỗ có giá khá đắt đỏ từ vài trăm đến 500 – 600 triệu nhưng bởi thiết kế cổ, chạm trổ cầu kỳ, độc đáo nên vẫn thu hút nhiều khách hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước về với làng nghề Dinh Chu.

Đức Anh - Đinh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN