(Baonghean) - Được tổ chức bởi một nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế, Hội sách thời bao cấp có mặt tại thành phố Vinh từ ngày 25 - 27/11 với hơn 1.000 đầu sách đặc sắc, thu hút đông đảo người đam mê văn hóa đọc TP. Vinh.
Sáng sớm ngày 25/11, dù đã thông báo trên Fanpage về giờ mở cửa nhưng chưa đầy 7h, không gian hội sách đã tấp nập học sinh, sinh viên tìm đến. “Chạm ngõ” TP. Vinh trong tiết trời lạnh giá, mưa phùn, thế nhưng thời tiết ấy vẫn không ngăn được tâm trạng háo hức của nhiều độc giả trẻ, những mong tìm thấy cuốn sách hiếm, quý, độc bản.
Vân Anh, sinh viên trường ĐH Vinh chia sẻ: “Khi được biết thông tin sẽ có hội sách về TP. Vinh, em mừng lắm. Cầm trên tay những trang sách thơm mùi giấy thú vị hơn nhiều với đọc ebook, đặc biệt, hội sách đều là sách cũ, giá cả phải chăng, hợp với túi tiền sinh viên”.
Càng về trưa, Hội sách thời bao cấp càng trở nên nhộn nhịp. Thế nhưng, sự nhộn nhịp của từng tốp độc giả trẻ mê say tìm kiếm sách dường như vẫn không làm mất đi vẻ tĩnh lặng đúng chất một không gian văn hóa đọc mẫu mực.
Điều đặc biệt, tại hội sách lần này, đúng như tên gọi của nó, phần lớn là những ấn phẩm được biên soạn và xuất bản từ thời bao cấp, đa dạng thể loại như sách y học, ngoại ngữ, khoa học thường thức, văn học, tạp chí… Sách cũ, nhiều cuốn đã ngả màu, không ít cuốn trang bìa đã sờn bạc, nhưng với các “tín đồ” của văn hóa đọc, những cuốn sách ấy vẫn có giá trị bất biến không chỉ về nội dung mà còn chính cả những vết tích thời gian in hằn trên đó.
Nhiều đầu sách về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, các danh nhân văn hóa - lịch sử… như “Thế giới ca ngợi Hồ Chủ Tịch” (xuất bản năm 1975), “Trước ngôi nhà sàn Bác Hồ - Nghĩ về lối sống Việt Nam” của tác giả Trọng Đức, thu hút sự quan tâm của khá nhiều độc giả. Ngoài ra, những đầu sách nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam hiện đại như bộ sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Bảy bước tới mùa hè”, “Kính vạn hoa”...; sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… cũng nằm trong “top” bán chạy. Tất cả sách đều được giảm giá 50%, vì vậy, chỉ cần vài ba trăm ngàn đồng, độc giả đã có thể “rinh” về cho tủ sách nhà mình hơn chục cuốn sách mình yêu thích.
Quy củ và chuyên nghiệp trong tổ chức cũng như lượng sách phong phú, ít ai ngờ rằng, Hội sách thời bao cấp được lên ý tưởng và mạnh dạn xúc tiến bởi một nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế. Ngạc nhiên nữa, trước đó vào trung tuần tháng 9, sự kiện Sách cũ TP. Vinh từng tạo “cơn sốt” với nhiều độc giả cũng chính do đội ngũ tổ chức nghiệp dư, với niềm đam mê sách bất tận này tạo nên.
Chia sẻ lý do ra đời hội sách, anh Hà Nguyễn Trường Yên – đại diện phụ trách Hội sách thời bao cấp cho biết: “Bắt nguồn từ ý tưởng muốn cho các bạn trẻ được biết đến nhiều đầu sách, mang văn hóa đọc sách đến với giới trẻ khi xã hội đang ngày càng “Internet hóa”, 7 sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế đã lập ra Hội Sách cũ Huế, hoạt động chủ yếu theo hình thức tự nguyện, các thành viên tự bỏ tiền túi ra thu mua sách với giá rẻ nhất có thể và cố gắng cân đối để bán ra với giá cả phải chăng để phục vụ bạn đọc”.
Hoạt động xuất phát từ tình yêu với sách nên các thành viên còn thiếu kinh nghiệm tổ chức, quy mô nhỏ, gặp khó khăn về kinh phí nhưng may mắn là nhận được nhiều tình cảm ủng hộ của độc giả gần, xa trong cả nước. Hiện, hội có 1 kho sách ở Huế rộng 400m2 với hơn 30 tấn sách các thể loại, nguồn thu mua chủ yếu từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Nha Trang.
Ngoài ra, nắm bắt sự lan tỏa của mạng xã hội, Hội Sách cũ Huế hoạt động mạnh trên Facebook và liên tục tổ chức nhiều sự kiện sách cũ ở các tỉnh, thành. Đồng thời với Hội sách thời bao cấp ở TP. Vinh, Hội Sách cũ Huế còn triển khai hoạt động ở TP. Huế, Gia Lai...
Đại diện Hội Sách cũ Huế cho biết, xuất phát từ niềm đam mê sách và nỗ lực nhân rộng văn hóa đọc cho giới trẻ, hoạt động của hội chưa đặt nặng về lợi nhuận. Kế hoạch sắp tới, Hội Sách cũ Huế sẽ xúc tiến phối hợp với Sở TT&TT, Nhà xuất bản Nghệ An để tổ chức ngày hội sách cũ tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh văn hóa đọc gặp nhiều thách thức trước thị hiếu online, nhưng tin rằng, những nỗ lực xuất phát từ cái tâm sẽ được đáp đền, và niềm vui sẽ còn được nhân lên nữa, như những nụ cười rạng ngời của các độc giả trẻ khi tìm được cuốn sách quý trong không gian Hội sách thời bao cấp.
Thiên Thiên