(Baonghean) - Tết khuyến học là thời điểm “khởi trống” ra quân phong trào “thi đua khuyến học” hàng năm. Nhiều chương trình ý nghĩa đã được tổ chức nhằm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh, sinh viên hiếu học và là một phong trào ý nghĩa, đậm tính nhân văn với truyền thống “tương thân,  tương ái” của dân tộc...

Ngày đầu Xuân, chúng tôi cùng nhà giáo Phạm Huy Đức (đã nghỉ hưu) về Trường THCS Bá Ngọc, huyện Quỳnh Lưu trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của trường. Đây đã là năm thứ 6 Quỹ khuyến học này được trao, tuy nhiên cho đến thời điểm này chủ nhân của nguồn quỹ vẫn chưa được tiết lộ. Chỉ biết, người tặng quỹ cho học sinh nghèo là một viên chức bình thường đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tự nguyện dành mỗi năm từ 10 - 20 triệu đồng trích từ tiền lương để tặng cho học sinh hiếu học với một ước nguyện: giúp các em có thêm động lực, có thêm kinh phí nhỏ để mua sách vở, áo quần đi học. 

Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu).
Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu).

Đến nay Quỳnh Bá có gần 50 người là phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, mỗi năm có từ 70 - 100 em đậu vào các trường đại học và cao đẳng. Để có được kết quả này, ông Trương Quang Hạng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho rằng: Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi gia đình, cá nhân là  sự chăm lo của địa phương, các ban, ngành, đối với công tác giáo dục.

Hiện mỗi năm, thông qua các nguồn huy động và đóng góp thường xuyên, Quỹ khuyến học của xã thu được hơn 200 triệu đồng; 35/35 dòng họ trong xã đều có quỹ khuyến học riêng. Hàng năm vào dịp đầu Xuân các dòng họ tổ chức trao thưởng, trao học bổng cho những học sinh có thành tích xuất sắc, sinh viên đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, để khuyến khích việc học, tất cả các gia đình trong xã đều nuôi lợn khuyến học thông qua khoản tiền tiết kiệm hàng ngày của các gia đình. Cuối năm, các hộ mổ lợn tiết kiệm. Số tiền đó được dành để mua sắm sách vở, áo quần cho các em, động viên con cháu sau một năm học tập vất vả.

Riêng dịp Tết Ất Mùi năm nay, bên cạnh các hoạt động thường xuyên như gặp mặt, trao quà cho học sinh sinh viên, tổ chức khai bút đầu Xuân thì Hội Khuyến học còn phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức nấu bánh chưng ủng hộ học sinh nghèo và gia đình chính sách, gia đình khó khăn…

Cũng trong ngày Tất niên và sáng mồng 1 Tết Ất Mùi, gần 50.000 gia đình của hơn 1.400 dòng họ ở huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện trao quà khuyến học cho con cháu. Nhiều gia đình đã tiến hành khai bút đầu Xuân một cách trang trọng, có tính giáo dục cao. 

Hàng năm mỗi khi Tết đến, Xuân về, dòng họ Trương Công (Đô Lương) lại tổ chức “Tết Khuyến học” nhằm động viên con cháu nỗ lực cố gắng chăm lo việc họ để xứng danh với tổ tiên và đền đáp công ơn cha mẹ, thầy cô dưỡng dục. Để có nguồn quỹ khuyến học lớn và ổn định, ngoài sự ủng hộ của con cháu thành đạt, họ còn vận động con cháu ủng hộ mỗi người 1 năm từ 50.000 - 100.000 đồng.  Đặc biệt toàn họ đã thống nhất được một bản quy chế về quản lý sử dụng Quỹ khuyến học dòng họ với nội dung cụ thể sát thực. Ngoài việc khen thưởng thường xuyên đối với những cháu học giỏi, đỗ đạt cao, Quỹ khuyến học của dòng họ cũng có chính sách khuyến khích để con cháu học cao hơn nữa. Trong đó sẽ cấp học bổng hỗ trợ 10 triệu đồng/người cho các cháu học thạc sỹ và 20 triệu đồng/người cho các cháu học tiến sỹ. 

Huyện Đô Lương xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai nên công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quán triệt sâu rộng trong nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học. 

Thông qua phong trào “Tết Khuyến học”, “Tháng Khuyến học”, Hội Khuyến học huyện Đô Lương và cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng Quỹ khuyến học với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, Quỹ khuyến học được xây dựng từ gia đình, dòng họ, khối xóm, hội đồng hương… Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã vận động được hơn 11,2 tỷ đồng, trong đó số tiền vận động trong dịp “Tết Khuyến học” là 2,1 tỷ đồng và dịp “Tháng Khuyến học” hàng năm vận động được 1,7 tỷ đồng; khen thưởng cho hàng ngàn học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi và cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập. Bên cạnh đó, huyện còn có nghị quyết vận động xây dựng quỹ bằng sự đóng góp của công nhân viên chức trên địa bàn mỗi người một ngày lương cho Quỹ Khuyến học cấp huyện. Cán bộ hưu trí và công chức xã ủng hộ 1 ngày lương cho Quỹ Khuyến học cơ sở, mỗi hộ ủng hộ 10.000 - 20.000 đồng cho Quỹ Khuyến học khối xóm, mỗi gia đình trong dòng họ ủng hộ 30.000 - 50.000 đồng trong năm và tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả, rất được hội viên và nhân dân đồng tình. Hiện toàn huyện có 34.500 gia đình hiếu học; 860 dòng họ khuyến học và hàng nghìn cán bộ hội viên đạt danh hiệu khuyến học. 

Tết Khuyến học trở thành nét đẹp đầu Xuân ở rất nhiều dòng họ, địa phương và các đơn vị trong toàn tỉnh. Mục đích ý nghĩa của phong trào này ngoài việc huy động nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của cộng đồng, các cấp, các ngành để tiếp sức cho học sinh, sinh viên, kịp thời giúp đỡ cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn còn là một đạo lý để tiếp nối truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc.

Tết Khuyến học 2015 được triển khai với nhiều nội dung như kêu gọi các đơn vị, cá nhân, tổ chức chăm lo Tết cho học sinh nghèo. Tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học.Tích cực vận động xây dựng Quỹ Khuyến học ở các cấp hội, cơ quan, đơn vị, dòng họ, hội đồng hương... ủng hộ Quỹ Khuyến học. Tổ chức trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó; khen thưởng cho HS, SV học giỏi văn hóa, giỏi nghề, có tài năng trên các lĩnh vực; động viên, hỗ trợ, giúp đỡ các nhà giáo vượt khó.

Đẩy mạnh các phong trào cụ thể như “Tiếng trống khuyến học”, “Đàn gà, vườn chuối, lợn đất khuyến học” ở Hội Khuyến học cơ sở xã, phường, thị trấn; Chi hội khuyến học khối, xóm, bản. Duy trì nền nếp học tập cho các em học sinh; góp phần giảm các hoạt động không lành mạnh, giảm các tệ nạn xã hội nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Với việc trung bình mỗi năm toàn tỉnh huy động được trên 43 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học và trên 31.000 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó vươn lên được tặng thưởng khen thưởng đã cho thấy Quỹ Khuyến học nói chung và Tết Khuyến học nói riêng đã thực sự có ý nghĩa và góp phần quan trọng thúc đẩy sự học của tỉnh nhà. Đó cũng thể hiện nét đẹp và đạo lý nhân văn, nhân ái của người Việt Nam, đạo lý nhân văn nhân ái của miền quê xứ Nghệ giàu truyền thống hiếu học.

Song Hoàng