(Baonghean.vn) - Ở huyện Anh Sơn, có nhiều đảng viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển KT- XH. Điển hình, có những đảng viên thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ những mô hình tại địa phương.
30 tuổi, chị Vi Thị Hiền làm chi hội trưởng chi Hội phụ nữ bản Khe Trằng Thượng xã Thọ Sơn và được kết nạp đảng vào năm 2015. Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình chị chăn nuôi 4 con trâu bò sinh sản, gà thả vườn và trồng 5 sào mía nguyên liệu. Thu nhập mỗi năm xấp xỉ 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn cho bà con những tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng chọt chăn nuôi, vận động các gia đình trong bản bỏ các hủ tục lạc hậu, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng nông thôn mới.
Bản Khe Trằng Thượng là thôn đặc biệt khó khăn của xã Thọ Sơn, có 97 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, chi bộ bản có 6 đảng viên. Hiện nay bản có 2 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, 70 hộ tham gia trồng mía nguyên liệu với diện tích 40 ha.
Việc đổi thay cách nghĩ, cách làm đã giúp cuộc sống nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xóm từng bước được cải thiện, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.
Đồng chí La Văn Hoạt - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Sơn cho biết, Hiện xã có 153 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ, trong đó, đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 10%. Với đặc thù là xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Để tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, Đảng bộ xã Thọ Sơn đã phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín để giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu, rèn luyện; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng.
Đảng ủy xã chỉ đạo các đoàn thể đặc biệt là đoàn thanh niên tích cực phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp; tín chấp cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, xã Thọ Sơn tạo điều kiện cho trên 71 lượt ĐVTN được hỗ trợ vay vốn với số tiền trên 1,9 tỷ đồng. Đây cũng là cách làm thiết thực giải quyết việc làm tại chỗ, thu hút hội viên tham gia các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Anh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, có hơn 1.800 hộ, 8.200 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái, sống tập trung ở 8 xã, 23 xóm - bản chiếm gần 8% dân số toàn huyện. Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn luôn coi công tác phát triển đảng viên, đặc biệt phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Anh Sơn cho biết: Trong công tác phát triển Đảng, Đảng bộ huyện Anh Sơn luôn xác định phải chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Đảm bảo chất lượng là yêu cầu xuyên suốt quá trình phát triển đảng viên. Hiện nay đảng bộ huyện Anh Sơn có 6.019 đồng chí đảng viên, trong đó nữ có 1.760 đồng chí, dân tộc thiểu số 190 đồng chí, đây là những “hạt nhân”, “đầu tầu” gương mẫu ở thôn, bản. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ huyện Anh Sơn đã mở 17 lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 1.385 quần chúng ưu tú, kết nạp cho 891 đồng chí, trong đó người dân tộc thiểu số 36 đồng chí. |
Đến nay 100% thôn, bản ở Anh Sơn đều có chi bộ. Nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số đã và đang giữ vị trí chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và trưởng các tổ chức đoàn thể thôn, bản.
Đặc biệt, với những mô hình đảng viên phát triển kinh tế với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đã góp phần tích cực thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Kinh nghiệm từ thực tế tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Anh Sơn cho thấy, việc phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên là người dân tộc thiểu số góp phần rất lớn trong việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Thái Hiền
(Đài Anh Sơn)