Ngày 10/1, Công an huyện Nam Đàn cho biết, đơn vị này vẫn đang lấy lời khai để mở rộng vụ án Hợp tác xã Lam Sơn – Đại Thành khai thác cát trái phép. Hai tháng trước, giám đốc của hợp tác xã này là ông Nguyễn Trung Châu (66 tuổi, trú thị trấn Nam Đàn), đã bị khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng về tội Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.
Theo thượng tá Nguyễn Đức Hải – Phó giám Công an tỉnh Nghệ An, đây là lần đầu tiên, Nghệ An xử lý hình sự một vụ khai thác cát trái phép.
Theo hồ sơ công an, Hợp tác xã Lam Sơn – Đại Thành được thành lập từ năm 2013. Thời điểm 2016, hợp tác xã có đến 60 xã viên, mỗi xã viên sở hữu một tàu hút cát. Tháng 1/2015, hợp tác xã này được cấp phép, khai thác cát tại 3 mỏ trên sông Lam, với diện tích hơn 37 hecta và công suất khai thác 49.000 khối/năm. Mỏ thứ nhất thuộc khu vực chảy qua địa phận xã Nam Tân, Nam Thượng. Mỏ thứ 2 thuộc khu vực xã Nam Lộc và mỏ thứ 3 đoạn chảy qua xã Khánh Sơn, Xuân Lâm.
Tuy nhiên, cho rằng mỏ được cấp phép đoạn qua xã Nam Tân, Nam Thượng cát xấu, lại có nhiều ghềnh đá rất khó khai thác, ông Châu cùng một số thành viên ban quản lý hợp tác xã đã chỉ đạo cho các xã viên đưa tàu lên vùng giáp ranh với huyện Thanh Chương, nơi không được cấp phép để hút cát.
Sau một thời gian bí mật theo dõi, khoảng 2h sáng ngày 28/12/2016, Công an huyện Nam Đàn huy động gần 100 cán bộ, chiến sỹ với nhiều phương tiện bất ngờ “đột kích” trên sông Lam. Chỉ trong tích tắc, các tàu , xuồng chở công an bao vây 8 tàu đang hút cát trái phép. Cả 8 tàu này đều là xã viên của Hợp tác xã Lam Sơn – Đại Thành.
“Khu vực mà các tàu này hút cát trái phép chỉ cách mỏ đã được cấp phép khoảng 300 mét đường sông. Vì vậy, nếu không bao vây bất ngờ, các chủ tàu sẽ chạy về đó, việc truy quét xem như công cốc”, thượng úy Vương Trường Thọ, điều tra viên thụ lý vụ án này kể và cho hay, sau khi bị bắt giữ, các chủ tàu vẫn giữ tâm lý thản nhiên vì nghĩ rằng cũng chỉ xử phạt hành chính vài triệu đồng rồi tiếp tục khai thác.
Tuy nhiên, với hành vi bị cáo buộc, giám đốc hợp tác xã này đang phải đối mặt với án phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Ngoài ra, công an cũng đang làm rõ vai trò của một số thành viên khác. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian này, các tàu của hợp tác xã do ông Châu làm giám đốc đã khai thác trái phép gần 450.000 m3 cát tại khu vực này, tương đương hơn 13 tỷ đồng.
“Theo tìm hiểu của tôi thì từ trước đến nay, đây là lần thứ 2 cả nước có một vụ “cát tặc” bị xử lý hình sự”, thượng úy Vương Trường Thọ nói và cho hay, vụ đầu tiên được khởi tố bởi Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra (C44, Bộ Công an). Theo đó, tháng 11/2014, C44 đã khởi tố, bắt giam 6 “cát tặc” chuyên khai thác trên sông Hồng.
Trong năm 2017, Công an tỉnh Nghệ An đã làm rõ 311 vụ, xử phạt hành chính 318 người khai thác trái phép cát sỏi. Số tiền xử phạt trong năm này cũng tăng hơn 3 tỷ đồng.
“Việc xử phạt hành chính giống như “bắt có bỏ đĩa”, thậm chí càng khiến “cát tặc” khai thác rầm rộ hơn. Thông thường, sau khi mất tiền phạt, các chủ tàu sẽ phải khai thác nhiều hơn để bù vào”, một cảnh sát hình sự chuyên theo dõi tình trạng khai thác cát trái phép cho hay. Không xử lý hình sự “cát tặc” cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng khai thác trái phép ngày càng phức tạp.