Ngày 19/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tổ chức Chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019. 
Trong số 12 gương mặt xuất sắc, tiêu biểu, Nghệ An có một đại diện duy nhất, đó là ông Sầm Văn Bình - xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Trước ngày ra Hà Nội dự lễ tuyên dương, PV Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Sầm Văn Bình để hiểu rõ hơn về công việc của ông hiện nay.

 

Không để bị “đánh lừa” vì thiếu hiểu biết!
PV: Chào ông Sầm Văn Bình! Ông được biết đến nhiều là một nghệ nhân ưu tú, một người chuyên sưu tầm về văn học nghệ thuật, phong tục tập quán của người Thái. Nhưng với riêng tôi, lại ấn tượng hơn khi nghe mọi người gọi ông là thầy giáo Sầm Văn Bình. Rất muốn ông chia sẻ về công việc của một người truyền dạy chữ Thái?.
 
bna_383a82525894105_1682019.jpgNghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình. Ảnh: Đức Anh

- Trước đây chưa bao giờ tôi có thể nghĩ rằng mình lại là thầy giáo. Tình cờ, năm 2006, xã Châu Cường (Quỳ Hợp) mở câu lạc bộ học chữ Thái cổ và họ mời tôi truyền dạy. Từ lúc đó mọi người đã gọi tôi là thầy giáo.

Lần đầu tiên đứng trên bục giảng, tôi dường như không chuẩn bị gì, chưa hình dung sẽ dạy như thế nào và thực sự rất khó khăn. Có đôi lúc tôi phải gồng lên và tự nhủ với mình xem như đây là buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp đại học để có thể tự tin đứng trước mọi người. 
Một số tài liệu về chữ Thái mà Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình nghiên cứu và viết thành sách. Ảnh: Đức Anh
Tôi cũng thấy mình không giống bình thường vì lần đầu đứng lớp, người theo học chủ yếu là cán bộ cốt cán của xã, rồi lại có người già, trẻ con. Tài liệu là do mình tự soạn, nhưng hôm nào trước khi đi dạy tôi cũng gạch đầu dòng những ý mình cần truyền đạt. Rồi phải nghĩ nói như thế nào để bà con hiểu bài học của mình. Chữ Thái thực sự không quá khó. Nếu mới nhìn, chúng ta thấy như một khu rừng. Nhưng nếu biết quy luật, mặt chữ, cách đánh vần thì sẽ học rất nhanh.
Hiện, đã 13 năm đi dạy nhưng điều thú vị là từ chương trình đầu tiên tôi biên soạn cho lớp học ở Châu Cường cho đến ngày nay thì nội dung không thay đổi nhiều với 20 bài. Tuy nhiên, xác định dạy cho cộng đồng nên bài học của tôi khá đơn giản, học sinh lớp 7, lớp 8 chỉ cần 10 buổi là có thể biết đọc, biết viết.
Trong mỗi bài giảng tôi cố gắng lồng ghép những câu chuyện, những bài dân ca, những câu hát đối đáp của đồng bào dân tộc Thái để mỗi người hào hứng hơn với bài học. 
Ông Sầm Văn Bình được biết đến nhiều là một nghệ nhân ưu tú, một người chuyên sưu tầm về văn học nghệ thuật, phong tục tập quán của người Thái. Ảnh: Đức Anh

PV: Ông có nhiều thành công với những lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần một chục đầu sách có giá trị. Gần 30 năm gắn bó với công việc này, mọi thứ hẳn không thể dễ dàng?.

- Khi làm việc thì ai cũng có đam mê nhất định nhưng riêng tôi may mắn có đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Thái và được sinh sống ở bản mường, ngay trên chính quê hương mình.

Tuy nhiên, trước khi đến với công việc này, tôi cũng lăn lộn nhiều lắm, làm quặng, làm đá, rồi có khi lại làm anh nông dân. Cũng có giai đoạn thất vọng về bản thân.

Bước ngoặt có lẽ bắt nguồn từ ông thân sinh của tôi. Khi đó, tôi là trưởng họ và bố tôi yêu cầu tôi phải nhìn, ngóng, xem xét “tất tần tật” những gì liên quan đến phong tục, tập quán của đồng bào Thái.
Thứ nhất, là để mình áp dụng cho bản thân mình, cho gia đình mình. Thứ hai, là để tuyên truyền cho cộng đồng, làm sao để không được phép làm sai, “không để cho một người không biết để họ xưng là biết để họ đánh lừa mình và đó cũng là đánh lừa cả dòng họ, cộng đồng”...
Từ sự chỉ bảo của cha, tôi bắt đầu ghi chép, tìm hiểu và cố gắng nắm bắt hết tất cả những phong tục tập quán. Sau đó, càng tìm hiểu tôi càng thấy hay và bắt đầu đam mê.
Việc ghi chép cũng giúp tôi đến gần hơn với chữ Thái Lai Tay. Chẳng hạn, khi ghi chép lại các bài cúng của các thầy mo, tôi rất tò mò muốn biết bài cúng ấy nói gì, viết gì, đặc biệt là các từ cổ. Thế rồi, tích lũy dần tôi bắt đầu chuyển sang nghiên cứu chữ Thái.

Ban đầu cũng khó khăn lắm, nhiều thứ tôi phải học lại từ đầu. Sau này tôi được mời tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ Thái ở Châu Cường và đảm nhận công việc biên soạn Tài liệu hướng dẫn và truyền dạy, phổ biến chữ Thái tại Câu lạc bộ. Tiếp đó, tôi lại được Phòng Công thương huyện Quỳ Hợp khuyến khích làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An", lúc đó tôi mới chính thức làm việc một cách nghiêm túc. Công trình này được tỉnh chọn phát triển thành Dự án “Mở rộng mô hình dạy học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An”. Năm 2017, Đề tài này đã được tặng giải xuất sắc trong cuộc thi Sáng tạo khoa học Công nghệ của tỉnh.

Qua dự án này, tôi cũng nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính.

Đó là các font chữ Thái thuộc các hệ chữ Thái Lai - Tay, Lai - Xư- Thanh và Lai - Pao được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái của tỉnh Nghệ An.

Các font chữ này hiện đang được sử dụng cho chuyên mục "Bảo tồn vốn cổ" của báo Nghệ An cuối tuần. Đặc biệt, thông qua đề tài này, tôi đã biên soạn xong bộ Tài liệu dạy học chữ Thái và in được Bộ sách dạy học chữ Thái hệ Lai Tay gồm 5 cuốn theo từng chủ đề và được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay.

Ông nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Đó là các font chữ Thái thuộc các hệ chữ Thái Lai - Tay, Lai - Xư- Thanh và Lai - Pao được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đức Anh

-PV: Để có được những thành công, hẳn không chỉ là chữ “duyên”? Ông lấy đâu ra động lực để theo đuổi công việc của mình khi mà “cơm áo không đùa với khách thơ”?

- Tôi cũng nghĩ rằng, đó là một cái duyên bởi tôi vốn là người Thái. Nhưng, có thể tôi may mắn hơn khi đã tìm đến chữ Thái và trở thành thế mạnh của mình. Tôi có rất nhiều người bạn phong tục tập quán họ biết nhiều hơn tôi, chữ Thái cũng biết hơn tôi. Nhưng, họ vẫn nói với tôi “tôi biết như vậy thôi nhưng tôi không dạy được cho mọi người”. Tất nhiên, mọi thứ không ngẫu nhiên và cũng không dễ dàng.

Trước đây tôi nghiên cứu chữ Thái gần như đơn độc. Sau này, nhờ có mạng Internet, tôi đã kết nối được với nhiều người cùng quan tâm, cùng đam mê và chúng tôi chia sẻ được với nhau, tạo động lực để theo đuổi đam mê của mình. 

Việc sưu tầm, nghiên cứu cũng là một công việc rất lâu dài và tôi cứ bị cuốn theo. Sau nhiều năm lăn lội tôi đã có nhà để ở nên không suy nghĩ nhiều lắm. Ăn uống, sinh hoạt thì đã có vườn tược, có thể “tự cung tự cấp ”. Thứ “nuôi” tôi, giúp tôi có tiền để trả tiền điện, tiền nước, mua xăng, mua xe máy, mua điện thoại chính là những bài báo tôi viết ở Báo Nghệ An, ở các tạp chí văn hóa. Hơn thế, đây cũng là cơ hội để tôi có thể giới thiệu những nghiên cứu của mình.
Nếu thấy là công việc tốt thì hãy làm
PV: Tôi thực sự bất ngờ khi biết ông đã từng tốt nghiệp Trường Đại học Đường thủy (Đại học Hàng hải ngày nay). Nhưng, cuộc sống đã để ông sang một lối rẽ khác. Ông có bao giờ tiếc nuối khi không được làm công việc mà mình từng dành nhiều năm đeo đuổi?.
- Năm lớp 7 (cũ), nhờ thành tích học sinh giỏi tôi là 1 trong 2 học sinh của Nghệ An (đều là người dân tộc thiểu số) được tham dự trại hè ở Cộng hòa Liên Bang Đức. Lần đầu tiên đến cảng Frankfurt, tôi thấy một con tàu rất lớn và từ đó tôi đã ấp ủ được đi theo những con tàu, làm nghề hàng hải. Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng đã được phân công công việc nhưng giai đoạn từ 1986 - 1990, đất nước còn khó khăn nên công việc không nhiều. Không riêng tôi mà nhiều người khác cũng đã bỏ việc trong những năm này. 
Đến nay, tôi chưa bao giờ nói rằng, mình sai lầm khi chọn Trường Đại học Đường thủy bởi đó là ước mơ của mình đã nhen nhóm từ ngày nhỏ. Nhưng không được theo nghề, tôi không còn tiếc nuối đâu.
Bởi lẽ, khi mình bắt đầu mình làm công việc nghiên cứu về một vấn đề  đòi hỏi mình phải có tư duy logic. Và điều này, mình may mắn đã được trang bị ở trường đại học. Có chăng, trước đây mình làm về khoa học tự nhiên nay chuyển sang khoa học xã hội, phương thức vẫn thế, cách làm vẫn thế, chỉ khác nhau về nguyên liệu và sản phẩm. 
Từ cuối năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đang làm hồ sơ đề nghị đưa chữ Thái thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Và điều ông mong muốn hiện nay, đó là sẽ có nhiều hơn nữa những bạn trẻ tiếp cận hơn với chữ Thái và văn hóa Thái. Ảnh: Đức Anh

PV: Quả thực, không phải mọi thứ đều đi theo những con đường đã định sẵn trước. Vậy, hôm nay, nhìn lại những thứ mình đã đạt được ông thấy như thế nào?

- Nếu nói về chữ Thái thì tôi cơ bản hài lòng vì đã làm được khoảng 90% mục tiêu mình đã đặt ra. Thực hiện mục tiêu của Dự án về truyền dạy chữ Thái, tôi cũng đào tạo được 10 giáo viên có thể truyền dạy chữ Thái trong cộng đồng. Từ cuối năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đang làm hồ sơ đề nghị đưa chữ Thái thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tôi cũng tin rằng bên cạnh chữ Thái, ngôn ngữ Thái và rất nhiều giá trị truyền thống khác, kể cả của dân tộc Thái và các dân tộc Thổ, Kinh... bằng cách này hay cách khác, cũng đang được những người tâm huyết giữ gìn, bảo tồn và phát huy để sự phát triển của huyện nhà luôn được cân bằng và bền vững…

Điều tôi mong muốn hiện nay, đó là sẽ có nhiều hơn nữa những bạn trẻ tiếp cận hơn với chữ Thái và văn hóa Thái. Tuy vậy, điều này có lẽ còn nhiều khó khăn vì cũng như nhiều vùng quê khác hiện nay người trẻ lớn lên chủ yếu đi làm ăn xa, không có nhiều điều kiện để tiếp cận với phong tục tập quán của dân tộc.  

PV: Với riêng ông, là một trong 12 cá nhân tiêu biểu của cả nước được tuyên dương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019. Đây có phải là sự ghi nhận đối với ông?
- Khi nhận được kết quả này, tôi thực sự vui mừng vì tôi không phải là đảng viên nhưng vẫn được Trung ương trân trọng và ghi nhận. Tôi cũng không xem đây là một thành tích và sẽ không phải “gồng mình”. Tôi vẫn thường nghĩ làm một điều to lớn thì rất khó. 

Nếu có việc gì tốt thì mình cứ làm thôi, một người tốt thì cả xã hội sẽ tốt; và trước hết là tốt cho mình và tốt cho cả người khác.

- Cảm ơn ông về cuộc cuộc trò chuyện!.