(Baonghean) - Cùng lứa với Văn Quyến, Như Thuật, Quốc Vượng… ở lò đào tạo trẻ SLNA, Lâm Tấn từng được đánh giá là một trong những tài năng hiếm thấy và được HLV các U trẻ xứ Nghệ đặt rất nhiều kỳ vọng. Dù chấn thương triền miên đã cướp đi những cơ hội ở bóng đá đỉnh cao, nhưng với Lâm Tấn đó chính là đam mê mà anh mãi giữ…

Lâm Tấn - Giữ mãi một đam mê ảnh 1Lâm Tấn (số 3) chơi bóng đá phong trào ở TP. Vinh.

HLV Nguyễn Văn Thịnh, người dẫn dắt Lâm Tấn từ khi còn nhỏ từng nhận xét: “Tấn là một hậu vệ biên cực kỳ hoàn hảo, thể hình rất tốt, kỹ thuật khéo léo lại có tốc độ nên công thủ đều hay. Có Lâm Tấn đá ở vị trí biên trái thì hết sức yên tâm”. Thực tế từ những năm 1996 đến năm 2000, Lâm Tấn cùng các cầu thủ đồng trang lứa như Văn Quyến, Như Thuật, Quốc Vượng, Hải Nam, Quang Tuấn,… mang về cho bóng đá xứ Nghệ hàng loạt danh hiệu ở các giải trẻ. Đặc biệt tại VCK giải bóng đá U16 châu Á năm 2000 diễn ra ở Đà Nẵng, Lâm Tấn là một trong những gương mặt nổi bật nhất cùng Văn Quyến và Như Thuật. Năm 2001, mới 17 tuổi Lâm Tấn được SLNA đôn lên đội 1, đến năm 2002 anh trở thành một hậu vệ cánh chơi rất hay của SLNA mỗi khi được ra sân thay đàn anh Văn Sỹ Sơn, và năm đó Lâm Tấn được HLV Alfred Rield gọi vào đội tuyển U23 Quốc gia thi đấu ở Sea Games.V.League 2003, trong màu áo CLB SLNA, dưới sự dẫn dắt của Chủ nhiệm CLB kiêm HLV trưởng Nguyễn Hồng Thanh, Lâm Tấn đã chơi cực kỳ xuất sắc, góp phần đưa đội bóng liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng lượt đi và có lúc bỏ xa đội xếp thứ nhì đến 6 điểm. Không chỉ bảo vệ rất tốt hành lang trái mà Lâm Tấn còn thường xuyên lên tham gia tấn công và có những đường chuyền như dọn cỗ cho tiền đạo, ngoài ra anh cũng có nhiều cú sút xa ghi bàn thắng đẹp mắt. Thế nhưng, trong một trận đấu ở lượt về mùa giải 2003, anh bị chấn thương nặng phải tập tễnh rời sân. Sau đó các bác sĩ xác định Lâm Tấn bị giãn dây chằng và phải nghỉ thi đấu hơn 1 tháng. Trong một tháng đó, cùng với sự đen đủi của Lâm Tấn, SLNA liên tiếp thua trận và đánh mất ngôi đầu bảng. Khi chấn thương chưa kịp bình phục, Lâm Tấn đã nôn nóng xin BHL cho ra sân thi đấu, hậu quả là anh lại phải rời sân trên một chiếc cáng cứu thương và nghỉ đến hết mùa giải. Mùa giải năm đó SLNA chỉ giành được vị trí thứ 5 chung cuộc.Chấn thương của Lâm Tấn kéo dài nhưng thời kỳ đó dường như các đội bóng cũng như cầu thủ chưa ý thức được sự quan trọng của việc nên chữa trị dứt điểm các chấn thương, nhất là giãn dây chằng. Hoặc nói cho đúng hơn là công tác y tế trong thể thao còn chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, thu nhập của cầu thủ còn thấp nên việc tư vấn, chỉ định về chăm sóc, điều trị chấn thương cho cầu thủ chưa đầy đủ, chu đáo, nhất là việc ra nước ngoài chữa trị lại càng chưa thể đề cập đến. Hơn nữa, SLNA lúc đó đang trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề nên vấn đề điều trị chấn thương dây chằng cho Lâm Tấn chủ yếu do gia đình cáng đáng theo kinh nghiệm của dân gian như đắp lá trầu không, chè xanh hơ nóng.Những CĐV luôn trung thành và theo sát đội bóng SLNA ngày ngày lên sân đều chứng kiến hình ảnh Lâm Tấn bền bỉ tập một mình ngoài đường pit. Sự kiên trì của Lâm Tấn và gia đình đã giúp anh trở lại sân cỏ. Mùa giải 2007, Lâm Tấn đã chơi khá ấn tượng trong màu áo SLNA, thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn ngủi, sau pha va chạm mạnh với cầu thủ đối phương, anh lại phải đau đớn rời sân và lần này dây chằng của Lâm Tấn gần như đứt hẳn. Tưởng sau lần đó Lâm Tấn giải nghệ vĩnh viễn, nhưng 3 năm trời lại kiên trì tự chữa chạy và duy trì thể lực bằng cách đi đá “bóng phủi”, mùa giải 2010, Lâm Tấn được HLV Hữu Thắng gọi anh về với đội bóng SLNA. Tuy nhiên, vận đen vẫn chưa buông tha anh, trong một lần hiếm hoi được ra sân, anh lại “dính” chấn thương và cái tên Lâm Tấn từ đó biến mất khỏi bóng đá đỉnh cao. Suốt 3 năm trở lại đây, ngay cả những CĐV ruột của SLNA cũng đã quên đi Lâm Tấn, một hậu vệ biên được đặt rất nhiều kỳ vọng một thời, bởi đội bóng “áo vàng” đã có những gương mặt trẻ khác thay thế như Văn Hoàn, Đình Đồng… Thậm chí nhiều người không biết rõ sự việc còn đồn thổi rằng Lâm Tấn hư hỏng, nghiện ngập nên bị SLNA sa thải. Khoảng 2 năm trở lại đây, Lâm Tấn tỏ ra mặc cảm trước những thành công của đồng đội và buồn vì số phận xui xẻo của mình nên anh ít tiếp xúc với người ngoài, nhất là những người lạ và luôn tránh né cánh nhà báo. Duy chỉ có niềm đam mê với trái bóng trong con người anh là vẫn vẹn nguyên. Hiện anh đã đầu quân cho một đội bóng đá phong trào ở Thành phố Vinh, đồng thời tự đứng ra tổ chức một lớp bóng đá thiếu nhi ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh) và trực tiếp làm HLV của đội bóng nhí cấp “phường” này.

Hoàng Hảo