(Baonghean.vn) - Rừng Pu Lon (Tây Sơn, Kỳ Sơn) là cánh rừng nguyên sinh còn giữ được nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc biệt là pơ mu và sa mu. Tuy nhiên, gần đây khu rừng này đã bị khai thác, băm nát.

Nằm cách xa trung tâm huyện, xã hàng chục km đường rừng hiểm trở, lực lượng quản lý thiếu và yếu nên các đối tượng lâm tặc ngang nhiên chặt phá, dùng xe máy vận chuyển gỗ ra quốc lộ 7 rồi cho ô tô chở về xuôi tiêu thụ…

Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi hỏi cánh xe ôm đường vào rừng Pu Lon thuộc bản Huồi Giang 1, xã Tây Sơn ai cũng lắc đầu ái ngại. Anh Lê Văn T. một người chuyên chạy đường rừng nhìn vào chiếc xe chúng tôi đang đi, thật thà: “Từ đây vào trung tâm xã thì đường đi ngon lành, chỉ vượt qua vài con dốc ngoằn nghèo là đến thôi. Tuy nhiên từ xã vào rừng đường đi hiểm trở lắm, con ngựa sắt này chưa chắc đã đi được nửa đường. Đi không cẩn thận là rơi xuống vực như chơi, đến cả những tay lái lụa như bọn tui cũng phải ngao ngán”.

Mặc cho mấy lời “hù dọa” của cánh xe ôm, chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường, trực chỉ Tây Sơn lăn bánh. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, đường vào xã nghèo bây giờ được trải nhựa khang trang, kéo đến nhiều bản trung tâm. Vì vậy chỉ mất chừng tiếng đồng hồ chúng tôi đã đến được Tây Sơn – địa phương một thời là “lãnh địa” cây thuốc phiện. Để kịp vào rừng, sau vài câu hỏi đường chúng tôi tiến thẳng vào rừng Pu Lon. Đúng là cách xe ôm nói không ngoa chút nào, đường đi trơn trượt, đèo dốc kinh khủng. Nhiều chỗ chúng tôi phải về số 1 rú ga đến xịt khói đen mà con “ngựa sắt” vẫn không chịu dịch chuyển. Vậy nên đến đoạn nào đèo dốc, hiểm trở, người ngồi sau cứ phải tụt xuống mà đẩy. Khi mặt trời lên đến ngọn lồ ô thì chúng tôi cũng tới được chân núi Pu Lon. Mới ở bìa rừng mà tiếng cưa máy đã ầm ầm dội đến, rung chuyển cả một khu rừng. Hai bên đường, những cây gỗ hai người ôm bị cưa đổ ngổn ngang, nhiều gốc còn ứa ra màu nhựa đỏ quạch như máu.

Đi sâu vào rừng chừng nửa cây số, chúng tôi thấy một đống gỗ được lâm tặc xếp ngay ngắn bên đường, phía trên phủ tấm bạt xanh đóng căng bốn góc. Những thớt gỗ dài chừng 2 mét được cưa xẻ vuông hình sắc cạnh. Đang hí hoáy chụp hình thì chúng tôi nghe tiếng xe máy từ trong rừng đi ra, một thanh niên chở trên chiếc xe win thớt gỗ to vật vã. Đường rừng Pu Lon nhỏ hẹp nên ô tô không thể vào được, muốn vận chuyển gỗ ra ngoài, chỉ còn một cách là dùng xe máy. Những thớt gỗ dài từ mét rưỡi đến 2 mét, nặng vài tạ nhưng được các đối tượng phá rừng sử dụng các loại xe máy đã qua “độ”, nâng cấp đưa ra ngoài không mấy khó khăn.

Do cách trung tâm huyện, xã, vắng bóng lực lượng tuần tra, giám sát nên lâm tặc biến khu rừng này thành chốn không người, vô tư chặt phá, cưa xẻ. Sau tiếng cưa máy là cây cổ thụ ầm ầm ngã đổ, kéo theo hàng loạt tiếng gãy “răng rắc” của các cây nhỏ phía dưới. Càng đi sâu vào trong, cảnh tượng hoang tàn, đau lòng của khu rừng càng đập vào trước mắt chúng tôi. Cây lớn, cây nhỏ đều bị chặt hạ, giống như người ta đang “khai hoang” để chuẩn bị trồng lúa, ngô rẫy. Đến gần một con suối, chúng tôi thấy hàng chục thớt gỗ quý hiếm nằm ngổn ngang, có đống thì bẻ lá rừng che lại, có đống để trơ trơ giữa thanh thiên bạch nhật, bên cạnh là gần chục chiếc xe máy không người trông coi. Anh bạn tôi ghé vào tai thì thầm: “Đây chắc là bản doanh tập kết gỗ của bọn lâm tặc”. Phía trên, cách chỗ chúng tôi đứng chừng vài chục mét, tiếng cưa máy cắt vào thớ gỗ xèn xẹt, lạnh lùng. Lâm tặc vô tư cười nói, trò chuyện giống như đang đi… trẩy hội!

Theo một người dân địa phương cho biết thì gỗ khai thác ở rừng Pu Lon và một số cánh rừng khác ở huyện Kỳ Sơn được bí mật cất giấu, vận chuyển ra quốc lộ 7, sau đó các đầu nậu sẽ cho xe ô tô vào “ăn” rồi đưa về xuôi tiêu thụ. Để tránh bị kiểm lâm sờ gáy, các đầu nậu không trực tiếp vào rừng khai thác mà “mượn tay” một số người dân, thanh thiếu niên bản địa không có việc làm. Tiền công từ việc chặt gỗ được trả tương đối cao nên nhiều người dân tộc thiểu số, đa số là người Mông đã vào rừng khai thác, bất chấp pháp luật ngăn cấm.

Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch xã Tây Sơn – Mùa Nhia Vừ cho biết: Lực lượng của xã mỏng trong khi đó địa bàn rộng lớn nên không thể kiểm soát, xử lý hết được. Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền phổ biến để người dân biết chặt phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng do nhận thức còn hạn chế, trong khi đó lợi nhuận trước mắt cao nên nhiều người bất chấp tiếp tay cho các đối tượng đầu nậu. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện để tuần tra, truy quét lâm tặc mạnh mẽ, hiệu quả hơn”.

Những cánh rừng cổ thụ, bạt ngàn trên dãy Trường Sơn đang bị lâm tặc chặt phá, khai thác cạn kiệt từng ngày. Các loài gỗ quý hiếm như pơ mu, sa mu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn trong ký ức của người dân. Đã đến lúc các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn sự chặt phá ồ ạt, trái phép này.

Sau đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại ở rừng Pu Lon:

Những thớt gỗ được lâm tặc tập kết bên đường chuẩn bị vận chuyển ra ngoài.
Những thớt gỗ được lâm tặc tập kết bên đường chuẩn bị vận chuyển ra ngoài.
Nhiều cây gỗ quý hiếm bị chặt hạ ngổn ngang
Lâm tặc dùng xe máy chở gỗ ra khỏi rừng.
Xe máy lâm tặc ngang nhiên vứt giữa đường để lên rừng cưa xẻ gỗ.

                                                                                        Triều Dương