Một số nhà trường vẫn còn tham lam, ôm đồm khi tổ chức nhiều nội dung, hoạt động với thời gian kéo dài khiến thầy và trò vô cùng mỏi mệt, mất hết hứng thú.

LTS: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình về việc tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua để chào mừng sự kiện này ở nhiều nhà trường hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đến thời điểm này, các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tổ chức Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Năm nay là tròn 35 năm ngày kỷ niệm nhà giáo Việt Nam ( 20/11/1982 - 20/11/2017), chắc chắn nhiều địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua để chào mừng sự kiện này.

Thầy và trò đăng ký một số tiết dạy - học. Công đoàn, Đoàn Thanh niên thì tổ chức làm báo tường, thi giọng hát hay, giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Đến trước, sau và đúng ngày 20/11 thì nhà trường sẽ thực hiện việc tổng kết, biểu dương, phát thưởng cho các nhà giáo.

images2050507_bna_59ffa714ab499.jpgLàm sao để người thầy cảm thấy thật vui và hạnh phúc trong ngày 20/11. Ảnh minh họa: baophapluat.vn.

Có thể nói, những phong trào, hoạt động thi đua như thế là rất cần thiết và ý nghĩa, vừa tốt cho việc dạy - học, rèn luyện thể chất, năng khiếu vừa khơi gợi tình cảm, lòng biết ơn, quý trọng của học trò đối với các thầy cô giáo đang dạy mình.

Tuy nhiên, một số nhà trường vẫn còn tham lam, ôm đồm khi tổ chức quá nhiều nội dung, hoạt động với thời gian kéo dài khiến thầy và trò cùng mỏi mệt, áp lực, mất hết hứng thú.

Có giáo viên than: “đến ngày của mình (ngày 20/11), chúng tôi bị “hành” hơn chứ có thỏa mái, vui vẻ, đáng tự hào gì đâu”.

Nhiều trường thường sẽ tổ chức các hoạt động, tọa đàm - liên hoan ngày 20/11 cho thầy cô giáo trong thời gian trước đó (vào ngày 17, 18, 19, còn tới ngày 20/11 thì thầy cô giáo và học sinh được nghỉ ở nhà).

Ngày nghỉ này nếu vào thời khóa biểu chính khóa, nhà trường sẽ tổ chức dạy và học bù sau đó.

Nghỉ ở nhà để giáo viên nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, nghĩ suy về nghề dạy học và là thời gian quý báu để các thế hệ học trò đến thăm nom, chúc mừng, chuyện trò, tâm sự với người thầy, người cô của mình đang, đã dạy mình.

Song vẫn còn một số nhà trường có những cách làm khác, như tổ chức các hoạt động, tọa đàm - liên hoan vào đúng ngày 20/11, nên tất cả giáo viên phải có mặt tại trường cả buổi, thậm chí cả ngày.

Học sinh, phụ huynh chỉ còn biết chúc mừng thầy, cô qua điện thoại hoặc thời gian trước đó. Vì vậy, ý nghĩa về ngày nhà giáo trong tâm trí của các thầy cô có phần phai mờ đi ít nhiều.

Năm kỷ niệm tròn như năm nay (35 năm), nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như cấp quản lý giáo dục (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo) thường tổ chức gặp mặt những nhà giáo tiêu biểu hoặc phân công, cử người đến nhà trường thăm, tặng quà và dự tọa đàm, thể hiện sự quan tâm của cấp trên, của địa phương đối với sự nghiệp giáo dục, đội ngũ nhà giáo.

Về ngày 20/11, có một số ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức khá chu đáo, họ lo hết mọi việc họ, các thầy cô giáo - chủ thể chính sẽ đến dự và nhận được rất nhiều những lời chúc mừng, chia sẻ, tri ân của học sinh, phụ huynh, và đại diện địa phương.

Tuy vậy, nhiều nhà trường, thầy cô giáo vẫn phải “tự biên tự diễn”, tự tổ chức, tự mời mọc phụ huynh, cấp trên đến tham dự. Có khi phải sốt ruột, trễ cả giờ tổ chức vì chờ đợi mấy vị lãnh đạo cấp xã, huyện, phòng, sở.

Một khi ban đại diện cha mẹ học sinh hay chính quyền địa phương không đứng ra tổ chức được thì nhà trường, ban giám hiệu, thầy cô giáo phải “gánh gồng”, khổ sở.

Từ những cái được và chưa được của những hoạt động, phong trào thi đua và việc tổ chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ở các địa phương trong thời qua, tôi mong muốn các nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh, cấp ủy, chính quyền địa phương nên biết cách làm, cách phối hợp tổ chức để các nhà giáo thật sự thấy vui và hạnh phúc trong ngày lễ đặc biệt của mình.

Theo Giaoduc.net

TIN LIÊN QUAN