Hầu hết các chuyên gia du lịch đều cho rằng, điều quan trọng nhất để giữ gìn hình ảnh cho du khách Việt khi di du lịch nước ngoài là nâng cao nhận thức cho người dân bằng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, thậm chí đào tạo ngay từ bậc mẫu giáo.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh”
Câu chuyện làm sao để giữ hình ảnh cho du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài tiếp tục được đặt ra sau khi có nhiều vụ việc liên quan đến hành vi xấu của du khách Việt tại nước ngoài bị phát hiện hoặc được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây.
Trả lời Báo điện tử Tổ Quốc, hầu hết các chuyên gia du lịch đều cho rằng, hiện tượng du khách Việt trộm cắp vặt tại nước ngoài là những trường hợp cá biệt, không thể đại diện cho hình ảnh du khách Việt Nam du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, những “con sâu bỏ rầu nồi canh” đó vô hình trung sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của du khách Việt tại nước ngoài cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bích- Giám đốc Công ty Du lịch Rustic Mekong cho rằng,những trường hợp du khách có hành vi trộm cắp vặt và bị bắt khi du lịch nước ngoài chỉ là một bộ phận nhỏ du khách có nhận thức kém, gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của du khách Việt Nam. Ông Bích cho rằng, vấn đề này khó có thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp đưa khách đi hay ngành du lịch, bởi đây là do nhận thức của cá nhân người đi du lịch.
Tuy nhiên, để hạn chế những hiện tượng xấu này xảy ra, đơn vị lữ hành đưa khách đi cũng cần có ý thức trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho du khách những việc được làm và không được làm, đồng thời khuyến cáo những hành vi xấu có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như thế nào? Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp chủ động làm được việc đó thì sẽ góp phần hạn chế được tình trạng du khách Việt có hành vi xấu tại điểm đến nước ngoài.” - ông Bích đề xuất.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty Du lịch Rustic Mekong cũng cho rằng, về lâu dài cần phải tìm giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân khi đi du lịch nước ngoài, nếu không khó tránh khỏi tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, câu chuyện nâng cao nhận thức cho du khách Việt cần có sự quan tâm của toàn xã hội, của tất cả các ngành chứ không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân doanh nghiệp hay ngành Du lịch.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng Khoa Khách sạn và Du lịch (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, câu chuyện về hành vi ứng xử của du khách Việt tại nước ngoài vượt qua những vấn đề của ngành du lịch. Do vậy, để hạn chế hay ngăn chặn tình trạng này cũng cần có sự quan tâm của toàn xã hội.
Vị chuyên gia du lịch này cũng đồng tình với đề xuất nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho du khách Việt Nam khi du lịch nước ngoài để dần dần nâng cao nhận thức và đưa ứng xử của du khách Việt Nam ở nước ngoài trở nên chuẩn mực. “Phần lớn du khách Việt Nam đều có nhận thức, cách ứng xử đạt chuẩn khi du lịch nước ngoài, nhưng một bộ phận nhỏ du khách có hành vi xấu giống như “con sâu bỏ rầu nồi canh”, họ chưa bao giờ được tiếp cận với những vấn đề này và cũng chưa hiểu rằng là những hành vi ứng xử của họ có thể phù hợp tại Việt Nam, nhưng không phù hợp với quốc tế, hoặc sẽ gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia…. Do đó, họ cần được cung cấp thông tin, cần được tuyên truyền, giáo dục ở khía cạnh này. Những quy tắc ứng xử dành cho du khách Việt Nam khi du lịch nước ngoài là hoàn toàn cần thiết” - PGS. TS Phạm Trương Hoàng chia sẻ.
Nên đưa vào đào tạo kỹ năng mềm từ bậc phổ thông
Bàn về vấn đề này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, do đời sống người dân càng ngày càng được nâng cao, nên người dân có xu hướng đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm và trải nghiệm của nhiều du khách Việt Nam tại nước ngoài còn ít, dẫn đến có những hành vi khiến hình ảnh du khách Việt Nam bị “méo mó” trong mắt bạn bè quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, đây cũng là vấn đề mà ngành du lịch đang quan tâm tìm giải pháp để làm sao vừa nâng cao nhận thức cho người dân để có hành vi ứng xử văn minh khi đi du lịch nước ngoài, đồng thời tối đa hóa thời gian đi du lịch, thu được những giá trị trải nghiệm cao nhất, từ đó tạo được hình ảnh tốt cho du khách Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
“Chế tài ràng buộc trách nhiệm về hành vi ứng xử của du khách thì chưa có, nhưng trong các văn bản hướng dẫn của ngành du lịch cũng như trên các diễn đàn thông tin chuyên ngành, chúng tôi đều hướng tới vấn đề này, quy định những vấn đề du khách được làm, không được làm để dần dần xây dựng một thế hệ du khách đi du lịch thông minh hơn, đạt được những giá trị tốt đẹp hơn và ít gây phương hại đến môi trường xung quanh”- ông Hà Văn Siêu cho biết.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, thực tế Tổ chức Du lịch thế giới đã có bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách và bộ quy tắc này đã được phổ biến trên các trang web của ngành du lịch cũng như các địa phương. Tuy nhiên, các bộ quy tắc ứng xử chỉ là gợi ý, tham khảo, còn để ứng xử của du khách trở thành chuẩn mực xã hội thì cần một quá trình đào tạo thay đổi nhận thức lâu dài. “Tất cả những hành vi như thế nào là tốt, như thế nào là không đều cần có xã hội công nhận, đi sâu vào đời sống và được mọi người dân thừa nhận như lẽ sống bình thường. Nếu mình đưa ra những chuẩn mực rất hay nhưng xã hội không công nhận thì cũng không đi vào thực tế”- ông Siêu nhận định.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, những vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử cần được đưa sớm vào các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh tại các bậc phổ thông để từ đó hình thành nhận thức đúng đắn cho người dân. Đấy là giải pháp gốc rễ cho bài toán làm sao để nâng cao hình ảnh cho du khách Việt Nam ở nước ngoài./.
Theo toquoc.gov.vn