Trung tuần tháng 12/2020, sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện, em Trần Đức Nhân (trú xã Hưng Chính, thành phố Vinh), đã quay trở lại Trường Cao đẳng Nghề số 4 - Bộ Quốc phòng để tiếp tục việc học. Tuy nhiên, do cánh tay phải đã mất, Nhân trước mắt chỉ theo học văn hóa trước khi chọn một ngành nghề khác phù hợp.
Theo hồ sơ vụ việc, chiều 25/6, lớp Cắt gọt kim loại K8 với 8 học viên do giáo viên Khoa Cơ khí Nguyễn Thị Huyền Trang phụ trách lên lớp bài thực hành “tiện ren tam giác và chuẩn bị phôi”.
Trong quá trình học, Nhân và Trần Thành Trai được giáo viên phân thành một kíp lần lượt vận hành máy tiện. Tuy nhiên, em Nhân sau đó sơ ý để phôi thép cuốn vào tay áo bảo hộ khiến cánh tay phải bị cuốn vào trục phôi máy dẫn đến bị đứt lìa cả cánh tay.
“Khi tôi chạy đến thì em Nhân đã nằm dưới sàn, cánh tay bị đứt lìa nhưng em vẫn rất tỉnh táo và liên tục xin lỗi thầy về vụ tai nạn”, Thượng tá Hà Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 4 - Bộ Quốc phòng kể và cho hay, ông cũng là người trực tiếp mang thùng đá để bảo quản cánh tay của Nhân, cắt cử cán bộ, giáo viên lập tức theo xe cấp cứu đưa em tới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An cách đó chỉ vài trăm mét với hy vọng cứu được cánh tay của học trò.
Ngay trong thời điểm đầu tiên cấp cứu trong tình huống nguy cấp, bệnh viện hết máu dự phòng cùng nhóm với em Nhân, nhà trường đã huy động thầy, cô giáo và nhiều học sinh, sinh viên thức trắng đêm để hiến máu.
Thượng tá Cường và một số giáo viên sau đó theo ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để phối hợp với gia đình điều trị cho em Nhân. Tuy nhiên, do Nhân có bệnh nền kháng thuốc kháng sinh, nên việc phẫu thuật để ghép lại cánh tay đã không đạt như mong muốn, mặc dù nhà trường đã liên hệ với các bác sĩ đầu ngành của bệnh viện để trực tiếp điều trị.
Ngay sau vụ việc, đoàn điều tra tai nạn lao động được thành lập theo đúng quy định pháp luật và Quân đội để lấy lời khai đầy đủ các nhân chứng, thu thập vật chứng, sơ đồ hiện trường và các tài liệu liên quan.
Theo kết quả điều tra, sau khi Nhân thực hành xong bài học của mình, đến lượt Trai. Tuy nhiên, thay vì trở về vị trí bàn học ở tuyến chờ đợi thì em Nhân đi lại vị trí đầu máy tiện đang vận hành, sơ ý để phôi thép cuốn vào áo bảo hộ khiến cánh tay phải bị cuốn vào phôi tiện dẫn đến bị đứt lìa cánh tay.
Hiện trường vụ tai nạn là một lối đi hẹp nằm kẹt giữa 4 máy tiện ở trong phòng học. Chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An về lý do có mặt tại khu vực này thay vì trở về vị trí chỗ ngồi theo quy định, Nhân cho hay sau khi tiện xong, em đứng ở đầu máy tiện hỗ trợ bạn rồi đưa sản phẩm của mình qua máy khác để tiếp tục hoàn thiện. Trên đường trở về chỗ ngồi bằng lối đi tắt này thì không may gặp nạn. “Em không hề biết khu vực này cấm vào. Bình thường em vẫn hay đi qua”, Nhân nói.
Theo kết luận của đoàn điều tra: Trước khi vào học thực hành, các học viên ở đây đều phải học qua môn an toàn lao động, đồng thời trong mỗi bài học đều có phần quy định an toàn lao động và ngay trước cửa phòng học cho đến cạnh các thiết bị, đều có bảng nội quy an toàn. Do đó, các học sinh trong quá trình thực hành không được đi lại và đứng xung quanh vị trí máy tiện. Không được tự ý rời khỏi vị trí học tập đã được quy định… Lúc xảy ra tai nạn, em Nhân đã hoàn thành phần thực hành của mình, theo quy định phải trở về chỗ ngồi chờ đợi, nhưng đã tự ý đi lại vị trí máy tiện đang vận hành.
Đoàn điều tra cũng đã quy trách nhiệm giáo viên đứng lớp Nguyễn Thị Huyền Trang đã không kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành nội quy an toàn lao động của xưởng thực hành trong thời gian giảng dạy, tại thời điểm xảy ra tai nạn không có mặt tại hiện trường.
Về việc giáo viên không có mặt lúc xảy ra vụ việc, lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề số 4 cho biết, lúc đó cô Trang ra ngoài đi vệ sinh cá nhân. Vừa rời khỏi phòng học khoảng 20m thì xảy ra tai nạn.
"Dù với lý do gì cũng không thể ra ngoài mà không có giáo viên khác thay thế. Chúng tôi sau đó đã kỷ luật cô với hình thức cảnh cáo, trưởng khoa cũng bị xử lý khiển trách vì liên đới trách nhiệm”, Thượng tá Hà Kiên Cường cho hay.
Sau vụ tai nạn, phía nhà trường đã trực tiếp chi trả toàn bộ chi phí sơ, cấp cứu, điều trị với tổng số tiền hơn 124 triệu đồng. Ngoài ra, cũng đã hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng và tạo điều kiện tiếp tục dạy nghề và hỗ trợ việc làm phù hợp với sức khỏe của Nhân. Tuy nhiên, theo Thượng tá Hà Kiên Cường, cho rằng mức tiền hỗ trợ thấp, gia đình nam sinh làm đơn đề nghị hỗ trợ bồi thường thiệt hại. Theo đó, ngoài số tiền đã nhận, gia đình yêu cầu nhà trường hỗ trợ thêm 2,45 tỷ đồng. Trong đó, 1,2 tỷ đồng là thiệt hại tổn thương cơ thể; 80 triệu đồng do tổn thất tinh thần; 90 triệu đồng do bố mẹ Nhân mất thu nhập và 1,08 tỷ đồng là khoản tiền mà gia đình cho rằng do Nhân đã bị mất khả năng lao động theo điều 601 của Luật Dân sự.
Theo Thượng tá Hà Kiên Cường: Liên quan đến vấn đề này, giữa nhà trường và đại diện gia đình đã 3 lần họp để thống nhất giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, do chưa tìm được tiếng nói chung về việc hỗ trợ 1 lần sau khi có kết quả giám định của Hội đồng Y khoa nên việc giải quyết vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị của gia đình là không phù hợp vì điều này chỉ áp dụng cho các nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng như trong nhà máy sản xuất… Trong khi, vụ tai nạn xảy ra trong xưởng thực hành của nhà trường. Vì vậy, phải áp dụng Luật An toàn vệ sinh lao động và Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
"Sự việc xảy ra tai nạn trong khi học sinh đang học tập tại trường là một điều đáng tiếc và không ai mong muốn. Về phía nhà trường, trong quá trình giải quyết sự việc đã nỗ lực cố gắng tìm giải pháp khắc phục và trong tương lai tiếp tục hỗ trợ gia đình như các vụ việc tương tự đã xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, các vấn đề giải quyết đều phải căn cứ trên các quy định hiện hành và tính chất của sự việc để đảm bảo vừa đúng và phù hợp với nguyện vọng của hai bên liên quan”, Thượng tá Hà Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.