Theo điều tra ban đầu, sau khi chạy hơn 20km với vận tốc trên dưới 100km/giờ, chiếc xe tải đã lao sang làn đường đối diện, tông thẳng vào xe khách khiến 13 người chết, hơn 30 người bị thương.
Vụ tai nạn thảm khốc sáng 7/5 trên đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) khi chiếc xe tải chở phân bón lấn hẳn sang làn đường đối diện, tông trực diện vào xe khách chở 43 người khiến 13 người chết và hơn 30 người bị thương.
Chủ xe gây tai nạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo Công an tỉnh Gia Lai, kết quả điều tra ban đầu cho thấy tài xế chiếc xe tải hoàn toàn có lỗi trong vụ tai nạn thảm khốc trên.
Sau khi tai nạn xảy ra, phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã gửi lời hỏi thăm các nạn nhân và gia đình đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với 2 đơn vị chủ phương tiện liên quan.
Theo luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, tài xế và chủ xe tải phải đối mặt với 2 loại trách nhiệm dân sự và hình sự.
Về dân sự, chủ xe phải là người đứng ra chịu trách nhiệm trước tiên về toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của các nạn nhân.
Cụ thể, chủ xe phải đứng ra bồi thường cho các nạn nhân chi phí tang ma, điều trị thương tích, thiệt hại sức khỏe và tổn thất tinh thần. Đồng thời cũng phải bồi thường cho xe bị gây tai nạn về giá trị tài sản bị thiệt hại.
Phải ưu tiên giải quyết cho nạn nhân trước, còn trách nhiệm liên đới bồi thường giữa chủ xe (nhà xe) với tài xế hoặc bên thứ 3 (bảo hiểm) tính sau giữa các chủ thể này.
Cần điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự
Về hình sự, ngoài trách nhiệm hình sự của tài xế (có lỗi hoàn toàn, trực tiếp gây ra tai nạn) thì có thể có cả trách nhiệm hình sự của chủ xe (nhà xe) trong tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này.
Cụ thể, về phía tài xế, là người trực tiếp điều khiển xe tải - là nguồn nguy hiểm cao độ, có lỗi gây ra thương vong cho nhiều người hoàn toàn có thể bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng).
Về phía chủ xe (nhà xe), cơ quan chức năng cần làm rõ nếu chủ xe giao, điều động phương tiện (xe tải gây tai nạn) không đảm bảo kỹ thuật an toàn (như thiếu kiểm định, xe bị hư hỏng bộ phận...) khiến gây ra tai nạn thì chủ xe (nhà xe) có thể bị xem xét hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn.
Thứ hai, cần điều tra rõ nếu chủ xe (nhà xe) giao xe cho tài xế không đủ điều kiện điều khiển xe thì cũng có dấu hiệu vi phạm tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (điều 205 Bộ luật hình sự).
Ví dụ chủ xe (nhà xe) sử dụng tài xế không đảm bảo sức khỏe, không có bằng lái, có bằng lái không phù hợp, đối tượng nghiện ngập, thường xuyên sử dụng chất kích thích... thì rõ ràng là đã vi phạm.
Nếu chủ xe (nhà xe) giao xe, điều động xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tài xế cũng không đủ điều kiện điều khiển thì có dấu hiệu vi phạm cả hai tội danh trên.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Đức Lâm - Giám đốc trung tâm tư vấn pháp luật quận Phú Nhuận TP.HCM cũng nhận định về trách nhiệm hình sự tách bạch giữa tài xế và chủ xe như trên.
Luật sư Đức Lâm cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc nhà xe có tuân thủ các quy định về giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh hay không. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, rút giấy phép.
Theo Tuổi trẻ