(Baonghean) - Nghiên cứu mẫu hợp đồng cung cấp nước sạch do Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An xác lập từ năm 2012 để giao dịch với các tổ chức, cá nhân mà ông Trần Xuân Quang (khối Vinh Phúc, phường Hưng Phúc, TP.Vinh) gửi kèm đơn tố cáo, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thấy rằng trái quy định, trong vấn đề này một phần trách nhiệm thuộc về Sở Công Thương…
Hợp đồng trái quy định
Dù Hợp đồng dịch vụ cấp nước của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An nêu căn cứ Luật Dân sự và các Nghị định, Thông tư liên quan, trong đó có Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Thế nhưng, nghiên cứu Hợp đồng dịch vụ cấp nước, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật thì hợp đồng này trái với quy định.
Cụ thể, theo Hợp đồng dịch vụ cấp nước số 012458/HĐ-DVCN giữa Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An (ông Nguyễn Quang Duyên - Phó Giám đốc làm đại diện) với ông Trần Xuân Quang, bên A có nghĩa vụ “Kiểm định, lắp đặt đồng hồ đo nước cho bên B, đảm bảo yêu cầu chất lượng kỹ thuật. Thực hiện kiểm tra, kiểm định đồng hồ theo định kỳ và theo yêu cầu của khách hàng” (Điểm e, Khoản 2, Điều 6 về quyền và nghĩa vụ của bên A). Trong khi đó, tại Điều 42, Khoản 3, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Mục V, Thông tư 01/2008/TT-BXD ngày 2/1/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP thì: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước”.
Bên cạnh đó, cũng tại Hợp đồng dịch vụ cấp nước, nghĩa vụ của bên B được đề ra là “Bảo vệ các công trình cấp nước; bảo vệ đường ống, thiết bị, đồng hồ đo nước đã được lắp đặt… Thông báo sự cố cho bên A biết khi đồng hồ nước bị mất hoặc hư hỏng. Tổ chức khắc phục sự cố, sửa chữa kịp thời rò rỉ, hư hỏng trên” (Điểm đ, Khoản 2, Điều 7 về quyền và nghĩa vụ của bên B).
Trong khi đó, tại Điều 49, Khoản 4, Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định rõ: “Khách hàng sử dụng nước có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt trong khu vực quản lý của mình”; “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt ở ngoài khu vực quản lý của khách hàng sử dụng nước”. Và, để cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ đồng hồ đo nước, tại Điều 41, Nghị định 117/2007/NĐ-CP nêu rõ điểm lắp đặt đồng hồ đo nước như sau: “1. Điểm lắp đặt đồng hồ đo nước có thể được xác định trước, trùng hoặc sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước vào mạng lưới cấp nước, bảo đảm thuận tiện cho việc lắp đặt, quản lý, kiểm tra ghi thu và bảo vệ đồng hồ đo nước. 2. Điểm lắp đặt đồng hồ đo nước được thoả thuận giữa đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”. Với những nội dung nêu trên, rõ ràng Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An đã sử dụng mẫu Hợp đồng dịch vụ cấp nước trái các quy định của pháp luật; trốn tránh những trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước mà văn bản luật đã quy định, trong khi gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 13/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Theo đó, dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt là 1 trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo mẫu. Và theo Điều 9 của Nghị định 99, Sở Công Thương là cơ quan nhà nước “chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Bởi mẫu Hợp đồng dịch vụ cấp nước phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, vậy nên chúng tôi đã đề nghị ông Nguyễn Quang Duyên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An làm rõ vấn đề này. Theo ông Duyên, công ty ông đã được Sở Công Thương chấp thuận mẫu Hợp đồng dịch vụ cấp nước đang sử dụng hiện nay. Đề nghị Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An cung cấp văn bản chấp thuận hợp đồng mẫu của Sở Công Thương. Ban đầu, ông Duyên nói rằng Sở Công Thương đồng ý mẫu hợp đồng thông qua buổi làm việc giữa hai bên chứ không phát hành văn bản. Tuy nhiên, sau đó ông Duyên lại đề nghị “để tôi kiểm tra lại xem có văn bản chấp thuận hay không”.
Thực ra, Sở Công Thương có văn bản chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu cho Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. Và văn bản này ban hành ngày 1/8/2012, tại Thông báo số 127/SCT-QLTM. Theo đó, tại Thông báo 127 nêu: “Sau khi xem xét Hồ sơ mã số 215/PCHS đã nhận ngày 26/7/2012 của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An về việc đăng ký Hợp đồng theo mẫu. Sở Công Thương thông báo chấp nhận Hợp đồng theo mẫu của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An”.
Tại sao Sở Công Thương lại chấp thuận Hợp đồng theo mẫu của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An? Câu trả lời được “hé lộ” một phần tại Thông báo số 127. Đó là, Sở Công Thương “chỉ” căn cứ Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định 99/2011/NĐ-CP; hoàn toàn không dựa theo các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan sâu sát đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch như Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ, hay Thông tư 01/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng!.
Theo quy định, Sở Công Thương có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vậy nhưng, sở này lại có văn bản chấp thuận Hợp đồng mẫu đi ngược lại chức năng, nhiệm vụ của mình và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vậy nguyên nhân là đâu? Do yếu kém trong chuyên môn nghiệp vụ, hay còn lý do gì khác? Đây là vấn đề các cơ quan liên quan cần làm rõ.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại điểm h khoản 6, Điều 2, Thông tư Liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 30/06/2015 của Bộ Công Thương và Bộ Bộ Nội vụ (hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện) nêu rõ Sở Công thương có nhiệm vụ: “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn hỗ trợ nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; Thực hiện việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại địa phương theo quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng; Kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương; Công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền”. |
Nhật Lân